QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tố cáo

Thu Huyền -Thứ ba, ngày 25/10/2011 14:00 GMT+7

Sáng nay (25/10), Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tố cáo.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Các đại biểu quốc hội đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo, người tố cáo và người giải quyết tố cáo, về việc nhiều người cùng tố cáo cùng một nội dung, về giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực và việc bảo về người tố cáo.
Cơ bản đồng tình với tờ trình của dự thảo luật, nhiều đại biểu thể hiện sự quan tâm tới quyền lợi của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo. Các đại biểu đặt vấn đề: Bên cạnh việc tố cáo sai sự thật với mục đích làm hạ uy tín, danh dự của một cá nhân đã được qui định là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng việc bảo vệ người bị tố cáo sai sự thật vẫn chưa được làm rõ trong luật. Vì vậy, ngoài yêu cầu về việc phải có cơ chế cụ thể hơn nữa để bảo vệ người tố cáo, các đại biểu cũng đề nghị cần phải bảo vệ cả quyền lợi của người bị tố cáo sai sự thật.
Bà Nguyễn Kim Thúy, đại biểu Quốc hội đoàn TP.Đà Nẵng phát biểu: "Cần khẳng định bảo vệ người tố cáo dù họ có yêu cầu hay không. Phải bảo vệ người cung cấp thông tin và người nhà của họ nữa, bổ sung một số biện pháp bảo vệ tạm thời".
Bà Lê Thị Nguyệt, đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu: "Hành vi tố cáo sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật, dự thảo luật mới chú trọng để bảo vệ cho người tố cáo, chứ chưa bổ sung những điều người bị tố cáo sai sự thật".
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị đến việc cần phải bổ sung thời hiệu về việc giải quyết tố cáo, quy định việc cung cấp thông tin cho người tố cáo được biết về quá trình giải quyết tố cáo, cũng như trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử và các đoàn đại biểu Quốc hội.
Nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu tranh luận như việc có nên giải quyết các tố cáo nặc danh? Giải quyết các tố cáo qua đường thư điện tử, fax, tin nhắn hay không? Bởi việc nhận những tố cáo loại này trên thực tế dù rất ít, nhưng cũng không phải không mang lại hiệu quả khi các cơ quan hiện nay vẫn tổ chức các đường dây nóng bằng thư điện tử hoặc điện thoại.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Ninh Thuận nói: "Nên bổ sung các hình thức tố cáo khác như fax, thư điện tử để tránh những rắc rối. Đây là việc rất hữu ích bởi hiện có một số cơ quan người ta tổ chức đường dây nóng để tố cáo".
Trách nhiệm trong bồi thường thiệt hại, trách nhiệm về giải quyết tố cáo, việc bảo vệ cho người cung cấp thông tin là những vấn đề mà các đại biểu cũng đề nghị được làm rõ hơn trong luật.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước