Với chủ đề: "Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực", đây là dịp để hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế cùng phân tích, nhìn nhận tổng thể về những diễn biến tại Biển Đông trong thời gian qua.
Sự kiện năm nay đánh dấu mốc 10 năm chuỗi Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông được tổ chức. Vì vậy, các cuộc thảo luận sẽ tập trung nhìn lại những diễn biến ở Biển Đông trong suốt một thập kỷ qua cũng như thảo luận các giải pháp giúp quản lý và giải quyết xung đột hiệu quả trên Biển Đông.
Trong bài phát biểu dẫn đề, Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Tòa án Luật biển Quốc tế, nhấn mạnh đến việc cần tuân thủ luật pháp quốc tế, các phán quyết của toà án quốc tế để quản trị xung đột trên Biển Đông. Trong đó, tập trung vào 4 khía cạnh chính là: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và kiểm soát, làm mới các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Một nội dung quan trọng của phiên thảo luận sáng nay, đó là đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh rộng lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Nhìn lại 10 năm qua, các đại biểu đều cho rằng, với việc nằm ở nơi giao kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là điểm trung chuyển từ lục địa Á-Âu ra đại dương, Biển Đông đang trở thành trái tim của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và có ảnh hưởng địa chính trị ngày càng lớn tới toàn bộ khu vực. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ của các diễn giả về chiến lược của các nước lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các hệ luỵ đối với khu vực, từ đó cùng thảo luận các biện pháp hoà bình quản lý và giải quyết tranh chấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!