Quốc hội khóa VI - Khát vọng thống nhất đất nước

Kim Oanh-Thứ năm, ngày 12/05/2011 15:30 GMT+7

Sau 21 năm đất nước bị chia cắt, nhân dân ở hai miền Nam Bắc đã cùng đi bầu cử để lựa chọn những đại biểu ưu tú vào Quốc hội khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI nước Việt Nam thống nhất diễn ra tại Hà Nội từ 24/6 - 3/7/1976.

Đúng như nhiệm vụ của lịch sử đặt ra, Quốc hội khóa VI đã quyết định những vấn đề quan trọng của nhà nước Việt Nam thống nhất, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Ngày 21/4/1976, hơn 23 triệu cử tri cả nước đã nô nức tham gia bỏ phiếu để bầu ra 492 đại biểu của nước Việt Nam thống nhất. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI đã diễn ra trong không khí xúc động của ngày sum họp.

“Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội. Hôm nay trong bầu không khí vui mừng, phấn khởi của toàn dân, chúng ta khai mạc kỳ họp đầu tiên Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất và XHCN”.

Ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã hoàn thành công việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyết định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, quyết định thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội và chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là TP.HCM. Quốc hội cũng đã bầu các chức vụ lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Giáo sư Sử học Lê Mậu Hãn: “Nhanh chóng thống nhất lực lượng hai miền để hoàn chỉnh việc thống nhất về mặt nhà nước, cho nên nhanh chóng Tổng tuyển cử là điều đúng đắn. Nếu 1 nhà nước mà để 2 chính phủ, 2 nhà nước là không được. Phấn đấu mấy chục năm thống nhất thì có 1 chính phủ thống nhất. Đấy là cái bước tiếp tục hoàn thiện tư tưởng thống nhất, thực hiện nguyện vọng dân tộc, tư tưởng HCM, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Việc thống nhất về mặt nhà nước là tiền đề chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Hiến pháp 1980. Đây là Hiếp pháp thứ ba được Quốc hội ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Luật sư Triệu Quốc Mạnh, người được phân công làm Trưởng ban bầu cử khu vực 4 ở Sài Gòn cho rằng, với nhân dân miền Nam thì Quốc hội khóa VI có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Quốc hội thống nhất như vậy là hoài bão của toàn dân, không riêng gì của thành phố nào. Và người ta nghĩ rằng, một nhà nước thống nhất hoàn toàn hợp với lòng dân, hợp với chân lý của cách mạng đạt được. Cho nên người ta cũng mong đợi một nhà nước thống nhất, bởi vì 21 năm chia cắt mà ở Việt Nam, cái khẩu hiệu thống nhất nó liên tục trong 21 năm đó.

Ông Nguyễn Hữu Châu, Con trai Cố Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ kể: “Một phóng viên người Pháp nói rằng, không thể tưởng tượng có cuộc bầu cử quá tốt đẹp khi mới giải phóng được một năm”.

Quốc hội khóa VI đã thực hiện niềm khát khao cháy bỏng của dân tộc Việt Nam - khát khao độc lập, đất nước thống nhất. Một niềm khát khao như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dù có đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước