Quốc hội thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm

Thu Trà-Thứ tư, ngày 21/11/2012 11:19 GMT+7

Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua nghị quyết về quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sáng 21/11. VietNamNet

Sáng 21/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với đa số phiếu tán thành. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên sẽ được tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.   

Theo nghị quyết này thì Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Hội đồng Nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân và một số thành viên quan trọng khác.

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Quốc hội thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín với các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016, thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2013.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo luật phòng, tránh giảm và nhẹ thiên tai, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn một số điều khoản quy định chung chung, quy định trách nhiệm của các cơ quan chưa được rõ ràng, khó khả thi. Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách đối với việc xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai để có thể huy động được nguồn lực cho công tác này.

Tin liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước