Với tấm lòng thành kính và tưởng nhớ đến những đồng bào đã chết trong nạn đói năm Ất Dậu, một nhóm bạn trẻ đã tự tay làm những chiếc bánh dẻo. Lễ vật được dâng lên tượng đài những nạn nhân trận đói bên bờ sông Kim Ngưu. Theo chị Tạ Minh Thu: “Có rất nhiều người chết trong nạn đói 1945, mình nghĩ là hãy tưởng niệm đến họ, hãy nhớ đến họ, cùng chia sẻ, cùng hồi hướng tất cả mọi công đức và mong rằng tất cả các chân linh họ sẽ được ấm áp”.
Đi chợ sắm lễ vật cúng rằm, với quan niệm “trần sao âm vậy”, nên nhiều người chọn mua những đồ đắt tiền như ô tô, tủ lạnh, xe tay ga. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, đền ơn báo hiếu cha mẹ, ông bà trước hết vẫn là sự quan tâm chăm lo khi họ còn sống, còn đối với người đã khuất thì quan trọng nhất vẫn là lòng thành.
Ở các tỉnh miền Trung, miền Nam, ngày rằm tháng 7 còn được gọi là ngày Vu Lan báo hiếu. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện đền ơn báo hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên, một học trò xuất sắc của đức Phật, vì thế đây không chỉ là ngày đền ơn mà còn là ngày Tết của Chư Tăng. Vào ngày này, nhà chùa thường tổ chức cúng lễ, cầu cho quốc thái dân an và phổ độ cho tất cả chúng sinh.
Theo Đại đức Thích Chân Thường: “Tháng 7 những người con phật và những người con đối với cha mẹ nói chung thường cầu nguyện cho ông bà tổ tiên 7 đời được siêu thoát, và cầu nguyện cho cha mẹ mình còn sống hiện tiền được khỏe mạnh, nhắc nhở những người con để có những hành động, việc làm thiết thực đối với cha mẹ khi còn sống, chăm lo miếng cơm manh áo khi cha mẹ đau yếu”.
Ở Bệnh viện Bạch Mai, có nhóm bạn trẻ mang những chiếc bánh lộc phát cho bệnh nhân nghèo. Những chiếc bánh dẻo tuy nhỏ bé, nhưng thể hiện sự quan tâm của con người với con người. Tình cảm có thể giúp cho những bệnh nhân hiểm nghèo có thêm sức mạnh để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.