Tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, từ đầu mùa rét đến thời điểm này đã có 40 con trâu, bò, dê chết vì tụ huyết trùng. Nền nhiệt độ từ nay cho đến Tết Nguyên đán sẽ luôn ở mức thấp, nếu tình trạng này kéo dài, nhiều hộ chăn nuôi gia súc ở những địa bàn này sẽ mất trắng.
Để nắm rõ hơn thực trạng chăn nuôi gia súc ở đây, phóng viên đã có mặt ở Bắc Yên từ rất sớm. 6h sáng, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 30C, bà con nông dân bắt đầu đưa gia súc ra thả ngoài bìa rừng. Thời tiết giá lạnh kéo dài, cỏ làm thức ăn cho gia súc những ngày này càng hiếm, nên càng phải thả xa hơn.
Bà Sồng Thị Dúa, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên cho biết, bà cho gia súc "đi ăn ở sườn đồi bên kia, dọc 2 bờ suối. Chiều lại ra dắt về". Cũng theo lời bà Dúa, vì trời lạnh kéo dài lâu, mấy hôm nay mặc dù 3 con bị thiếu (không biết do lạc hay bị chết) nhưng gia đình vẫn chưa đi tìm được".
Bản Làng Sáng ở độ cao 2.000m, sương mù dày đặc quanh năm. Đàn dê nhà anh Thào A Chông vừa chết mất 8 con. Do không lường trước được tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, cũng như không biết cách giữ ấm cho trâu bò, nên gần như toàn bộ lứa gia súc sinh sản tại địa phương trong thời gian này đều chết rét.
"Gia súc toàn vừa chết đúng đầu đợt rét này, hầu hết là những con nhỏ. Năm nào ở đây cũng thế, năm nay rét kéo dài hơn. Mọi năm, chỉ rét 1 tuần thôi, năm nay kéo dài gần 2 tuần rồi. Trên này, chủ yếu là thả rông, chưa làm chuồng từ tế để cho nó ở", anh A Chông cho biết.
Càng ở những địa bàn xa trung tâm, đời sống người dân càng khó khăn, có những bản 100% hộ nghèo, việc tuyên truyền, vận động chưa kịp thời khiến nhận thức bà con về công tác phòng chống rét và bảo vệ đàn gia súc, gia cầm vẫn còn rất hạn chế.
Dễ dàng tìm thấy những chuồng trại trống không trong những địa bàn của đồng bào dân tộc H'Mông thời điểm này. Trong điều kiện thời tiết nhiệt độ xuống thấp 1 - 30C, bà con vẫn giữ thói quen thả gia súc ra những cánh rừng trống. Họ giải thích rằng như vậy mới có thức ăn cho đàn gia súc cúa mình.
Mặc cho những nỗ lực tuyên truyền, huyện Bắc Yên vẫn là một trong những địa bản có tỷ lệ trâu, bò, dê chết rét cao nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Người dân nghĩ ra cách, cho gia súc ăn muối để nó quen hơi và dù đi ăn xa tận đâu cũng sẽ quay về. Nhưng, việc dự trữ thức ăn khô, che chắn chuồng trại như thế nào để giữ trâu bò ở nhà thì họ không biết.
Anh Thào A Chông cho biết thêm: "Đôi khi người ta chỉ làm mấy cái nhà, rồi làm mái che thôi, chứ trong rừng, người ta còn chôn mấy cái cột, buộc trâu vào đấy, không che chắn gì".
Bài học kinh nghiệm từ việc hàng nghìn con trâu, bò chết do chủ quan trong phòng, chống đói, rét tại nhiều địa phương ở mùa đông năm ngoái vẫn còn đó.
Nguyên nhân là do trâu, bò thả rông trên rừng theo tập quán cũ, khi có mưa phùn cộng với giá lạnh kéo dài làm trâu bị cước chân, chết hàng loạt. Với những người nông dân, cả năm trông chờ vào đàn trâu, đàn bò, trâu bò chết có nghĩa là họ cũng mất trắng.