Sophie Quinn Judge và công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh

Lê Minh - Đức Hoàng-Chủ nhật, ngày 05/06/2011 15:00 GMT+7

Công cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chủ đề được quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu ở cả trong nước và quốc tế.

Trong số những công trình nghiên cứu nước ngoài được công bố, các nhà Hồ Chí Minh học đều biết đến tác phẩm "Hồ Chí Minh - The Missing Years", tạm dịch là "Hồ Chí Minh - Những năm tháng chưa được biết đến" của nữ tác giả Sophie Quinn Judge, tiến sỹ triết học - lịch sử, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam - Đại học Temple - Mỹ.
Đây là kết quả của công trình nghiên cứu kéo dài hơn 10 năm của tiến sỹ triết học và lịch sử người Mỹ Sophie Quinn-Judge. Hai tiếng Việt Nam đã đến với bà ngay từ những ngày còn là sinh viên Đại học trong phong trào phản chiến tại Mỹ đến các cuộc đàm phán hòa bình về chiến tranh Việt Nam tại Paris khi đang làm việc tại Pháp. Đây là kỷ niệm của những năm tháng ở Việt Nam khi Sophie Quinn làm việc cho 1 chương trình từ thiện của Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn cuối của cuộc chiến. Sự gắn bó, những thôi thúc tìm hiểu của một nhà nghiên cứu về vị lãnh tụ của một dân tộc trường kỳ đấu tranh vì độc lập và thống nhất, cùng với những cơ hội mới đã khiến Sophie Quinn quyết định nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiến sỹ Sophie Quinn-Judge, Phó Giám đốc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam - Đại học Temple, Mỹ nói: "Vào năm 1992, khi đang làm việc tại Nga, kho tư liệu lưu trữ ở đây lần đầu tiên được công bố sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Tôi rất quan tâm đến giai đoạn Hồ Chí Minh ở Nga bởi có nhiều người nói với tôi rằng Hồ Chí Minh đã có nhiều năm hoạt động tại đây và còn nhiều điều mà người ta chưa được biết đến. Do đó tôi đã đọc tất cả những gì mà tôi có thể và tôi nhận ra rằng có rất nhiều hồ sơ về Việt Nam, trong đó có khoảng 20 đến 30 hồ sơ liên quan đến Hồ Chí Minh với cái tên Nguyễn Ái Quốc trong kho lưu trữ này. Rồi những dữ liệu này lại liên kết tới những dữ liệu khác, và không lâu sau đó tôi quyết định cần phải viết cuốn sách này".
Từ những tư liệu ở Nga, Sophie Quinn tiếp tục lặn lội tới các kho lưu trữ của Anh, Pháp, Mỹ và một số nước khác để cố gắng có được thêm những tư liệu phản ánh được đầy đủ nhất có thể cuộc đời hoạt động cánh mạng của Hồ Chí Minh từ năm 1911 cho tới khi trở về nước năm 1941.
Tiến sỹ Sophie Quinn-Judge cho biết thêm: "Thực tế, tôi đã phải dành hơn 10 năm để tìm tòi, nghiên cứu cho tới khi cảm thấy rằng mình thực sự hiểu về những tài liệu thu thập được cũng như hoàn cảnh lịch sử giai đoạn đó trước khi quyết định phát hành cuốn sách".
Quá trình nghiên cứu đã giúp Sophie Quinn khẳng định, độc lập cho dân tộc chính là động lực mãnh liệt nhất thôi thúc người thanh niên trẻ vượt mọi gian khổ ra đi tìm đường cứu nước.
Tiến sỹ Sophie Quinn-Judge nói: "Khi còn là một thanh niên, Hồ Chí Minh đã nhận ra rằng người Pháp thực hiện quyền lực của mình một cách rất tàn bạo. Điều đó rất quan trọng đối với cả cuộc đời của người. Vai trò của Hồ Chí Minh vào năm 1945 cũng đã chứng tỏ rằng độc lập đối với người quan trọng hơn rất nhiều so với những vấn đề khác như là đấu tranh giai cấp chẳng hạn. Đối với Hồ Chí Minh, giành độc lập là mục tiêu cao cả nhất đối với toàn bộ cuộc đời hoạt động chính trị của người".
Hiện còn có những đánh giá khác nhau về công trình nghiên cứu của Sophie Quinn-Judge, song phần lớn các nhà nghiên cứu nhận định Sophie Quinn-Judge có cái tâm trong sáng của một nhà khoa học, và tác phẩm của bà là một nguồn tài liệu tham khảo phong phú, có giá trị.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước