Giao thông hỗn loạn tại TP.HCM vì sự cố mất điện ngày 22/5. Ảnh: Dân trí
Một số đại biểu cho rằng, sự cố mất điện là khó tránh khỏi, nước nào cũng có thể gặp phải. Vấn đề là khi thiết kế hệ thống điện siêu cao áp như đường dây 500KV Bắc - Nam cần lường trước khả năng xảy ra sự cố và có các giải pháp phòng ngừa.
Ông Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP.HCM nói: “Với trình độ khoa học công nghệ, ở các nước, những hành vi như cần cẩu va vào cây không thể xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng trên 20 tỉnh như vậy được. Rõ ràng chúng ta phải xem xét lại vấn đề công nghệ và quản lý”.
Bà Bùi Thị An, ĐBQH TP.Hà Nội kiến nghị: “Phải có một quy chế đặc biệt đối với ngành quản lý điện, quy chế phải rất ngặt nghèo, bởi vì sự cố vừa qua là bất khả kháng nhưng gây hậu quả khôn lường mà đến nay chúng ta chưa đánh giá hết được. Thứ hai, chuyện này có thể khắc phục được bằng những giải pháp công nghệ và kỹ thuật”.
Chỉ vì một hành động bất cẩn của lái xe cẩu mà cả miền Nam bị mất điện. Từ sự cố này đã cho thấy công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho lưới điện quốc gia, sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu hơn cần phải được chú trọng hơn nữa.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Điều này cho thấy ở góc độ an ninh và quốc phòng cũng hết sức nguy hiểm. Đây chỉ là trường hợp cá biệt mà đã gây mất điện trên diện rộng, vậy nếu có những kẻ khủng bố khoặc cố tình phá hoại thì còn thiệt hại đến chừng nào”.
Trong gần 10 năm trở lại đây, đường dây 500KV Bắc - Nam và hệ thống điện truyền tải điện cao áp đã nhiều lần xảy ra sự cố do thiên tai, kỹ thuật và cả do ô tô quệt vào đường dây, nhưng chỉ gây mất điện cục bộ trong thời gian ngắn.