Với độ lùi thời gian, Toàn quốc kháng chiến cách đây 70 năm
đã để lại nhiều kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, nhất là bài học kinh nghiệm
lãnh đạo cách mạng và chiến tranh nhân dân. Trong đó, nổi bật hơn cả là bài học
phát huy tinh thần yêu nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Chính
sức mạnh của lòng yêu nước được khơi dậy và phát huy đã tạo nên bản lĩnh và khí
phách của một dân tộc quyết đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình.
Rất nhiều di tích ở Hà Nội liên quan tới trận chiến bi hùng
60 ngày đêm giữa lòng Hà Nội. Giữa khu chợ Đồng Xuân luôn ồn ào và tấp nập, bức phù điêu "Hà
Nội - Mùa Đông 1946" ghi dấu nơi này từng diễn ra một trong trận đánh oanh
liệt nhất khi những chiến sĩ Vệ quốc đoàn và Tự vệ thành Hoàng Diệu vừa làm
quen với chiến trận đã phải làm một
nhiệm vụ vượt quá xa sức mình.
Phố 19/12 vừa mới được thành phố Hà Nội gắn biển nhân kỷ
niệm 70 năm Toàn quốc kháng chiến từng là một nấm mồ chung của chiến sĩ và nhân
dân đã ngã xuống trong 60 ngày đêm bi hùng. Sau khi hài cốt được di dời đi, con
phố được trả lại tên với ý nghĩa ban đầu là nơi để ghi nhớ về một sự kiện lịch
sử vô cùng quan trọng trong mùa Đông năm 1946 khi tinh thần "Quyết tử để
Tổ quốc quyết sinh" đều đã thấm sâu vào mỗi người dân Hà Nội.
Với một quyết tâm chung bảo vệ độc lập dân tộc, dưới sự dẫn
dắt của Đảng và Bác Hồ, cả dân tộc Việt Nam đã chủ động bước vào cuộc kháng
chiến, dù biết sẽ lâu dài và nhiều gian khổ, hy sinh với một niềm tin tất
thắng. Điều ấy đã trở thành hiện thực vào 9 năm sau đó khi những người con của
Hà Nội trở về Thủ đô trong ngày khải hoàn của một Thủ đô được giải phóng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!