Tái hiện lễ hội Lồng Tồng trên đất Thủ đô

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 19/02/2016 18:00 GMT+7

VTV.vn - Đồng bào dân tộc Tày ở Định Hóa đã mang lễ hội Lồng Tồng đến Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một điểm nhấn về văn hóa người Tày giữa lòng Thủ đô.

Trong khuôn viên rộng lớn của làng văn hóa, khu nhà sàn dân tộc Tày rộn tiếng nói cười của trẻ em, tiếng đàn tính mượt mà của các anh, các chú hòa quyện với điệu hát Then thánh thót của các bà, các chị... Ngay từ sáng sớm, mọi người vui vẻ nói cười, cùng nhau chuẩn bị những mâm cỗ lớn phục vụ các nghi thức trong lễ hội.
Bên bếp lửa ấm cúng trong nhà sàn, anh Ma Tuấn Đoàn vui vẻ cho biết: Chúng tôi rất vui được giới thiệu lễ hội Lồng Tồng của dân tộc mình tới bạn bè khắp cả nước.

Lễ hội Lồng Tồng dù ở đâu, lớn hay nhỏ cũng có đủ hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức cúng lễ, mở đầu bằng lễ cầu mùa, thầy cúng đọc các bài khấn và thực hiện các nghi thức tạ Thiên Địa, cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối và Thành hoàng, những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân làng.

Lễ vật cho phần lễ rất đa dạng, gồm có: Xôi đỏ (tượng trưng cho mặt trời), xôi vàng (tượng trưng cho mặt trăng), bát nước, gà luộc, cá nướng, một đĩa tiết luộc, một con dao nhọn, một bó vải mới dệt, hai con cá bằng giấy màu vàng, hai con chim cú bằng giấy màu đỏ, hai chùm hoa bằng bỏng gạo, hai chùm quả của cây dong riềng. Đặc biệt, trên mỗi mâm cỗ đều có một chiếc bánh hình bông hoa ngũ sắc và đôi quả còn được làm bằng vải màu sặc sỡ.

Điều đặc biệt là tất cả lễ vật dùng để cúng tế đều là những sản vật do người Tày tự làm ra, thể hiện lòng thành kính của con người đối với trời đất, cầu mong sức khỏe và mong cho công việc đồng áng năm tới thuận lợi, mùa màng bội thu.

Sau phần lễ với không khí trang trọng là phần hội rộn ràng, vui tươi và vô cùng náo nhiệt. Phần hội của lễ hội Lồng Tồng mở màn bằng điệu hát Then của những chàng trai cô gái Tày. Phía giữa sân khấu, cạnh những cành đào đang khoe sắc trước nắng xuân, các cô gái, chàng trai cùng nhau cất lên lời ca rộn rã. Người Tày quan niệm rằng, điệu hát Then sẽ khiến lời cầu khấn của con người thấu lên tận trời xanh.

Bài hát Then kết thúc cũng là lúc bắt đầu nghi thức “xuống đồng” (còn gọi là nghi thức “tịch điền”), phần quan trọng nhất của Lễ hội Lồng Tồng. Trên khoảng đất mô phỏng một thửa ruộng, hai người đàn ông, một già, một trẻ cùng một bé gái dắt trâu đi những đường cày đầu tiên. Người dân quan niệm rằng, ba người tham gia nghi thức đại diện cho ba thế hệ trong gia đình (ông - cha - cháu) sẽ cùng giúp đỡ nhau làm việc, thông qua đó người cháu sẽ học được từ ông cha cách làm đồng.

Sau những đường cày mở đầu, mọi người cùng nhau gieo hạt. Dân làng chọn ra ba người đàn ông to khỏe đi trước, dùng những chiếc gậy đâm xuống đất tạo thành lỗ để phụ nữ và trẻ em đi sau tra hạt vào đó. Mỗi lần gậy nhấc lên, một hạt giống được gieo xuống, mọi người phối hợp ăn ý và công việc diễn ra nhịp nhàng, khép lại nghi thức “xuống đồng”.

Không gian lễ hội trở nên nhộn nhịp nhất khi bắt đầu các trò chơi dân gian. Ngoài trò chơi ném còn thu hút đông đảo du khách, tại khu vực lễ hội, các chàng trai, cô gái Tày và du khách cùng nhau tham gia đánh đu, nhảy sạp, múa xòe...

Lễ hội Lồng Tồng là một nét đẹp văn hóa đặc sắc, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Việt. Bằng hoạt động tái hiện lễ hội Lồng Tồng tại thủ đô Hà Nội, người Tày Định Hóa đã góp phần khôi phục và phát triển văn hóa dân tộc; đồng thời xích lại gần hơn với các dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước