Phương pháp 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) được Nhật Bản và nhiều quốc gia thực hiện từ lâu nhằm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, chương trình này đã được thí điểm từ cách đây hơn 10 năm tại thành phố Hà Nội và một số địa phương, nhưng do thiếu đồng bộ trong các khâu nên chỉ được triển khai trong một thời gian ngắn.
Hiện chương trình này đang được triển khai tại 6 tuyến đường và 1 khu dân cư với hơn 1.700 hộ dân tham gia. Đây là lần thứ 2 Công ty Môi trường đô thị TP.HCM thí điểm chương trình 3R. Lần đầu tiên được triển khai cách đây hơn 5 năm nhưng bị tạm dừng do đơn giá của thành phố cấp không đủ để tái chế.
Cũng như TP.HCM, một số đơn vị môi trường ở các địa phương khác như tỉnh Bình Dương cũng đang thí điểm chương trình này. Ngoài việc truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại rác tại nguồn, các đơn vị này đang đẩy mạnh tái chế chất thải thành phân hữu cơ và một số sản phẩm, mang lại cả hai lợi ích về kinh tế và môi trường.
Theo chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc phải được thu gom và xử lý đảm bảo các yêu cầu về môi trường, trong đó đẩy mạnh việc xử lý tái chế rác thải thành phân hữu cơ vi sinh hoặc đốt rác để phát điện. Như vậy, việc triển khai phương pháp 3R đang được đặt ra cấp thiết bởi phần lớn rác hiện này vẫn được chôn lấp thủ công, vừa lãng phí quỹ đất, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để chương trình 3R được triển khai hiệu quả, cần có một cơ chế phối hợp linh hoạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.