Sau vụ tai nạn làm lái xe ô tô 16 chỗ thiệt mạng tại huyện Vụ Bản, Nam Định, gần một tiếng sau, trên địa bàn xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, một ô tô 5 chỗ trong lúc nỗ lực vượt đường sắt tại đường ngang dân sinh đã bị tàu LP5 đâm vào làm 3 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng.
Trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông trên đường sắt, làm 6 người thiệt mạng, 11 người bị thương. Số vụ tai nạn đường sắt Tết năm nay, đã tăng 60% về số vụ, 100% về số người chết, 175% số người bị thương so với Tết năm ngoái.
Trong năm 2016 cũng xảy ra những vụ ô tô vượt đường sắt và gây ra những tai nạn đau lòng như vụ rạng sáng ngày 24/10, xe ôtô Honda CRV, khi đến xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã rẽ ngang đường sắt trong lúc tàu SE2 chạy theo hướng Nam - Bắc lao tới, đâm vào hông xe ôtô kéo lê 10 m trên đường ray trước khi "hất văng" chiếc xe ra ngoài mặt đường Quốc lộ 1A làm 6 người thiệt mạng.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên nhân của các vụ tai nạn đường sắt có nguồn gốc trực tiếp từ hành vi vi phạm quy định pháp luật của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông qua đường ngang, lối đi dân sinh, đồng thời, cũng cần xác định trách nhiệm của UBND một số tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT tại các đường ngang cũng như trong việc xác định và xử lý trách nhiệm của địa phương, đơn vị có liên quan.
Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Minh, Phó Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vấn đề này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!