Lâu và chậm, nhưng từng đường chỉ mũi kim của chị Khấu Thị Ngọc Châu (ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) luôn đầy nghị lực. Dù một nửa cơ thể bên trái không linh hoạt, chị vẫn đủ khéo léo để thạo nghề và từng đứng lớp dạy thêu. Không thể làm việc nặng nhọc, chị nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau để có thêm thu nhập lo cho gia đình nhỏ. Cuộc sống hiện tại như là một giấc mơ đối với chị.
Chúng ta có thể kể rất nhiều câu chuyện về ý chí và nghị lực vươn lên từ nỗi đau da cam ở tỉnh Bến Tre, như chị Hạnh với nghề may trang phục trẻ em cho thu nhập tương đối ổn định hay nhiều cô cậu học trò đang là sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng tại thành phố Cần Thơ. Hoạt động từ năm 2002, một trung tâm phục hồi chức năng trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn làm tròn nhiệm vụ cải thiện sức khỏe cho các nạn nhân chất độc da cam. Trung tâm kết hợp dạy nghề, dạy vi tính. Thao tác cầm chuột, gõ bàn phím cũng là những thử thách không nhỏ cho cả trò và thầy.
Ở ĐBSCL, tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương từng phải hứng chịu một lượng lớn chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống. Đến nay, tỉnh này vẫn còn khoảng 13.000 nạn nhân. Với sự chung tay hỗ trợ và san sẻ của chính quyền địa phương và cộng đồng, quan trọng hơn là từ nghị lực của chính các nạn nhân, đã có rất nhiều người có thể vượt qua nỗi đau để cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!