Nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Anh Liên không tiếp tục ứng cử. Rời xa nghị trường, ông vẫn còn rất trăn trở vì chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cũng như ông, hàng vạn cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chưa nhận được câu trả lời dứt điểm. Ông Liên sốt ruột vì nhiều đồng đội của mình đã không còn sức để chờ.
“Nhiều cử tri nói với tôi thế này, cứ mời bác Liên, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong vào Quảng Trị ứng cử, dân ở đây sẽ bầu. Nói vui nhưng rất xúc động, ở đây có 2 vạn liệt sỹ chôn ở đất Quảng Trị này, 2 vạn liệt sỹ sẽ bầu cho đại diện Hội cựu thanh niên xung phong để tiếp tục có tiếng nói trong Quốc hội để giải quyết chế độ chính sách cho anh em”. Ông Nguyễn Anh Liên tâm sự.
Trong nhiệm kỳ qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) là một trong số nhiều người có nhiều ý kiến đóng góp và chất vấn sắc sảo tại nghị trường. Mọi vấn đề luôn được ông phát biểu thẳng thắn và trách nhiệm.
“Tôi xin phép được nói một câu nữa thôi, tức là chúng tôi rất mong Luật Thủ đô sớm được thông qua. Nhưng tôi phải nói thành thật, từ quy định về nội dung, câu chữ còn ngổn ngang lắm. Nên nếu được thông qua trong kỳ họp này thì phải tập trung sức, sửa rất nhiều”. Ông Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Để xứng đáng là đại biểu của nhân dân, trong suốt hai nhiệm kỳ là Đại biểu Quốc hội, ông Thuyết đã dồn nhiều tâm huyết và sức lực. Những nội dung chuẩn bị phát biểu trước Quốc hội được ông ghi chép cẩn thận, có câu hỏi ông phải viết đi viết lại nhiều lần. Theo ông, để hoàn thành trách nhiệm Đại biểu Quốc hội, mỗi đại biểu cần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc lắng nghe ý kiến cử tri, đi cơ sở đến việc đọc và nghiên cứu tài liệu.
“Đối với Đại biểu Quốc hội khóa 13, chúng tôi mong các vị nghiên cứu lại một số vấn đề đã nêu ra tại Quốc hội khóa 12 về những vấn đề đã được quyết, chưa được quyết để các vị tiếp nối những việc anh em chúng tôi còn làm chưa tốt, anh em chúng tôi còn làm dang dở...”
Bà Phạm Thị Loan, Đại biểu Quốc hội khóa 12 (đoàn Hà Nội) cho rằng, để hoàn thành trách nhiệm với cử tri, với đất nước, mỗi đại biểu Quốc hội cần phải có bản lĩnh, dám nói, dám làm.
Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Tập đoàn Việt Á, Đại biểu Quốc hội khóa 12, Hà Nội: “Để làm một đại biểu nhân dân thật tốt, trước tiên mình phải có tâm, phải có huyết với đất nước, khi làm gì phải nghĩ đến quyền lợi của đất nước, vì quyền lợi của nhân dân, thì sẽ cố gắng hết mình để đạt được ý nguyện đó. Nhưng có tâm với đất nước, phải có tài, phải có năng lực, bản lĩnh. Có nghĩa là tư duy mình phải có để hiểu biết được những điều mà đất nước cần, những điều mà đất nước cần một cách đúng và trúng”.
Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, ông Nguyễn Anh Liên cũng như các đại biểu khác trở về với công việc hàng ngày của mình. Mặc dù đều đã nỗ lực, họ vẫn tự cho rằng, mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Và cũng như tất cả cử tri, họ kỳ vọng nhiều hơn vào các đại biểu khóa mới - khóa 13.