Tăng cường hợp tác Việt Nam với các quốc gia châu Phi

Quang Anh (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 29/08/2018 19:49 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam muốn đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Phi nhằm tăng cường đoàn kết giữa các nước châu Phi, hướng tới một cộng đồng châu Phi thống nhất, hùng mạnh.

Sáng 29/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia và Ai Cập từ 23-29/8. 

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ethiopia và Ai Cập lần này mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dù Ethiopia và Việt Nam đã thiết lập quan hệ từ năm 1976, thế nhưng, đây là lần đầu tiên diễn ra một chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, lãnh đạo và nhân dân Ethiopia đã dành cho đoàn sự đón tiếp nồng nhiệt và trọng thị.

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại Ethiopia đã được tổ chức theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia với 21 loạt đại bác chào mừng. Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước thể hiện quyết tâm tăng cường sự tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến cởi mở, thân thiện tại Ethiopia, bên cạnh mục tiêu tăng cường tin cậy chính trị, chia sẻ các quan điểm về những vấn đề của khu vực và quốc tế, thúc đẩy hợp tác kinh tế là nội dung quan trọng được cả hai bên quan tâm. Việt Nam và Ethiopia có những điểm tương đồng về dân số, lực lượng lao động.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam nằm trong số 3 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và đang hướng tới là "Con hổ mới của châu Á". Còn Ethiopia, từ đói nghèo, đất nước này đã trỗi dậy trở thành "Con hổ châu Phi" với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới ở mức trung bình trên 10% trong suốt hơn một thập kỷ qua. Do đó, quyết tâm kết nối hai nền kinh tế, tận dụng những thế mạnh của nhau là điều mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã cam kết tại các cuộc tiếp xúc.

Tăng cường hợp tác Việt Nam với các quốc gia châu Phi - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.

Tại Thủ đô Cairo, Ai Cập, những nghi thức trang trọng nhất cũng đã được tiến hành tại lễ đón trong phủ Tổng thống. Đã 55 năm kể từ khi Việt Nam và Ai Cập thiết lập quan hệ ngoại giao, đây mới là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới quốc gia này, dù quan hệ chính thức giữa hai nước đã được đặt nền móng từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ai Cập hơn một thế kỷ trước. Với quan hệ truyền thống và những tiềm năng rộng mở, thúc đẩy hợp tác kinh tế là một trong những nhiệm vụ mà hai nước hướng đến trong tương lai.

Sau các cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống các nước đã chứng kiến việc ký kết hàng loạt các bản ghi nhớ hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước về thương mại, nông nghiệp, tài chính, đánh dấu một quá trình mới của hợp tác kinh tế song phương và khai phá những tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Cũng trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp xúc với Thủ tướng, lãnh đạo Quốc hội các nước. Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống trên các các kênh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Đặc biệt, giữa các Ủy ban của hai Quốc hội sẽ trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát, đồng thời tăng cường vai trò của hai Quốc hội trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã ký. Về các vấn đề khu vực và thế giới, hai bên nhất trí sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi lập trường, ủng hộ các ứng cử của nhau tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Tại mỗi nước, các diễn đàn doanh nghiệp đã được tổ chức với sự chủ trì của lãnh đạo các Bộ ngành, cùng sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp hai nước. Với việc đưa ra thông tin về các chính sách của mỗi nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các diễn đàn là cơ hội để chỉ ra những tồn tại cần khắc phục cũng như đánh giá đúng về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi này.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến mới như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tranh chấp thương mại, cho thấy quan điểm về đối ngoại và thương mại đa phương tiếp tục là đúng đắn. Tuy nhiên, để tránh việc phụ thuộc vào các thị trường truyền thống với nhiều biến động, việc khai thác hiệu quả tiềm năng của các thị trường mới sẽ giúp đảm bảo tính bền vững của hoạt động xuất nhập khẩu. Dù đây là mục tiêu không đơn giản, nhưng sự gắn kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp cũng như sự chủ động của doanh nghiệp được coi là giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam vươn tới các thị trường mới này.

Mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế của Việt Nam còn thể hiện qua cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại Ai Cập ngay trước lúc kết thúc chuyến thăm. Tại đây, một lần nữa, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Ai Cập kết nối, tiến hành các hoạt động khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch tại Việt Nam cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang nghiên cứu, đầu tư và kinh doanh tại Ai Cập.

Cùng với khẳng định mong muốn hợp tác, ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam với Ethiopia và Ai Cập, chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng gửi một thông điệp lớn hơn, đó là Việt Nam muốn đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Phi - nhằm tăng cường đoàn kết giữa các nước châu Phi, hướng tới một cộng đồng châu Phi thống nhất, hùng mạnh.

Châu Phi là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, với truyền thống lâu đời và nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Không chỉ gắn kết với Việt Nam thông qua những ủng hộ trong quá trình kháng chiến, giải phóng dân tộc, các quốc gia châu Phi, trong đó có Ethiopia và Ai Cập, thông qua chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đã bày tỏ mong muốn tăng cường kết nối, hợp tác với Việt Nam.

Những cam kết sâu sắc xóa đi khoảng cách về địa lý không chỉ kỳ vọng mang lại thịnh vượng cho mỗi nước, mà quan trọng hơn là cho toàn khu vực và trên thế giới, phù hợp với vị thế đang lên của Việt Nam cũng như của các quốc gia châu Phi.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước