Cho đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện vẫn còn nhiều vùng nông thôn chưa có nước sạch, người dân phải sử dụng nước ao hồ không đảm bảo vệ sinh, thậm chí còn bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Không chỉ vậy, đến mùa hạn mặn, bà con còn lâm vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Trước vấn đề cấp bách về nước sinh hoạt cho người dân, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực cấp nước, để chung tay với địa phương, mang nước sạch về cho người dân.
Tại tỉnh Hậu Giang, suốt nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn xác định việc cấp nước sinh hoạt là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, từ nhiều năm nay, tỉnh Hậu Giang luôn đẩy mạnh kêu gọi xã hội hoá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực cấp nước. Nhiều doanh nghiệp đã cùng bắt tay thực hiện, đảm bảo việc cấp nước sạch cho người dân. Về chủ trương kêu gọi đầu tư, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Không phải doanh nghiệp nào đến thì mình cũng cấp chủ trương đầu tư, mình phải xem xét hồ sơ năng lực của doanh nghiệp đó, ví dụ như Công ty Aquaone, họ đã có nhiều kinh nghiệm và làm ở nhiều nơi. Hiện mới có 1 tổ máy hoạt động ở Hậu Giang nhưng đã cung cấp trên 100.000 m3/ngày".
Nhờ chủ trường đúng đắn của tỉnh mà giờ đây, nhiều địa phương của Hậu Giang trước đây từng thiếu nước trầm trọng thì nay đã có nước sạch về. Chị Đỗ Thị Kim Oanh, một người dân tại ấp Bình Thuận, xã Long Bình, Long Mỹ, Hậu Giang chia sẻ trong háo hức: "Vui lắm, dân ở đây ai cũng trông có nước sạch để dùng". Những chiếc lu hứng nước mưa của gia đình chị Oanh giờ đã không cần dùng đến bởi nước máy vừa được dẫn về tận cửa nhà. Khỏi phải nói, những người dân ở ấp Bình Thuận vui thế nào. Bà con đều trông chờ ngày được kéo nước về dùng.
Người dân ĐBSCL vui mừng có nước sạch về nhờ chủ trương xã hội hóa của địa phương
Không chỉ Hậu Giang mà các tỉnh, thành khác tại khu vực ĐBSCL hiện cũng đang đẩy mạnh hợp tác công - tư trong lĩnh vực nước sạch. Xác định việc cấp nước trong mùa hạn mặn cho người dân không thể chỉ trông chờ vào nguồn nước miễn phí, nhiều địa phương đã kêu gọi xã hội hoá, đa dạng hoá việc cấp nước để giảm giá thành, nâng cao chất lượng nước, đảm bảo sự cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu của người dân.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Chủ trương chung là những nơi nào doanh nghiệp không đầu tư được thì mới dùng ngân sách nhà nước, còn cái gì xã hội hoá được thì tiến hành xã hội hoá, Kiên Giang cũng vậy, cả nước nông thôn và nước đô thị đều được xã hội hoá".
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa với ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp cấp nước có đủ nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại hiện là hướng đi chung của nhiều địa phương. Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay: "Những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, mang lại nguồn nước sạch cho người dân thì chúng tôi luôn ưu tiên".
Aqua One là đơn vị xã hội hóa nước sạch được cấp phép đầu tư nhờ năng lực và công nghệ hiện đại
Thực tế cho thấy, nhờ vào sự quyết liệt trong chỉ đạo, linh hoạt trong điều hành, cùng với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, gánh nặng ngân sách đã được giảm bớt, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí hợp lý. Mùa khô hạn năm nay, bà con nhiều vùng ĐBSCL sẽ phấn khởi hơn vì nước sạch đã được về làng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!