Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội

Thu Huyền-Thứ tư, ngày 09/03/2011 12:00 GMT+7

Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ nữ ĐBQH, HĐND khá cao (khoảng 25%), xếp thứ hai khu vực châu Á, điều này cho thấy khả năng đóng góp của phái nữ là không hề nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị tưởng chừng chỉ dành riêng cho nam giới.

Việc tăng cường sự tham gia của chị em phụ nữ vào các vị trí quản lý lãnh đạo không chỉ nhằm góp phần giảm khoảng cách về giới, mà còn giúp chị em có thêm nhiều cơ hội để phát huy hết khả năng công sức của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tiếp xúc cử tri, lắng nghe nguyện vọng của cử tri và tổng hợp những mong muốn của cử tri để chuyển thành các ý kiến trong mỗi kỳ họp Quốc hội… Đây chỉ là phần nhỏ trong khối lượng công việc mà các nữ ĐBQH phải đảm nhận.

Rất nhiều ý kiến của những nữ ĐBQH trong thời gian qua đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang bức xúc trong dư luận từ các vấn đề về kinh tế, chính trị cho đến mọi lĩnh vực đời sống của người dân. Đặc biệt là phái nữ, nên có nhiều ý kiến của chị em cũng đã góp phần bảo đảm quyền lợi phụ nữ trong xã hội.

Không chỉ đảm nhận và hoàn thành các công việc của nghị trường, gánh vác trọng trách là người mẹ, người vợ trong gia đình, nên những chính trị gia cũng gặp không ít khó khăn. Một nữ đại biểu trẻ, người dân tộc tên Rcom Sa Duyên tham gia vào Quốc hội khi còn rất trẻ. Lúc vừa mới sinh con xong cũng là lúc chị phải đảm nhận ngay công việc của một ĐBQH với bao công việc bộn bề.

Rcom Sa Duyên, Đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Gia Lai (sinh năm 1970) chia sẻ: “Với vai trò là phụ nữ, là mẹ, là vợ, khi mình tham gia Quốc hội, phải cố gắng sắp xếp công việc cho phù hợp để tham gia kỳ họp cho đầy đủ. Có một kỳ tôi mang em bé đi theo, có một kỳ tôi gửi bên nội và bên ngoại…”

Những rào cản của xã hội, những khó khăn đến từ vấn đề giới có thể sẽ làm cho người phụ nữ phải vất vả hơn nam giới khi tham gia vào các vị trí quản lý lãnh đạo, nhưng sẽ không hề làm giảm đi tài năng, công sức mà họ có thể phát huy. Ngoài vấn đề về chính sách, một cái nhìn khách quan về vấn đề giới sẽ là sự chia sẻ, động viên phụ nữ tự tin hơn trong công việc mà họ đảm nhận.

Bà Nguyễn Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Hà Nội nói: “Chúng tôi cũng nghĩ rằng, để chị em được tham gia ngày càng đông đảo hơn thì phải có sự ủng hộ rất tích cực, đồng bộ từ các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, xã hội cho tới chính bản thân người phụ nữ phải vượt lên chính mình, tự khắc phục những khó khăn, khắc phục các rào cản, mạnh dạn, tự tin có thể tham gia trong lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội”.

Kỳ bầu cử Quốc hội khóa 13 đang đến gần, chúng ta đang đặt mục tiêu có tới 35% tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, tỷ lệ cao nhất cũng chỉ chiếm đến 27%.

Con đường đến với vị trí của một nữ nghị sĩ, hay một nữ chính trị gia không hề đơn giản, nhưng để đảm nhiệm và hoàn thành sứ mệnh của nó còn đòi hỏi những người phụ nữ này cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Hy vọng với nhiều tự tin và nỗ lực, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới chúng ta sẽ có được một đội ngũ cán bộ nữ trẻ, đầy nhiệt huyết đại diện cho tâm tư nguyện vọng và mong muốn của cử tri cả nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước