Tăng viện phí với chính sách BHYT toàn dân

Duy Cường-Thứ sáu, ngày 10/02/2012 15:00 GMT+7

Hiện tại, gần 40% người dân chưa có bảo hiểm y tế. Bởi vậy, để mức viện phí mới không là gánh nặng kinh tế của người bệnh, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân cần gấp rút tiến hành.

Liên bộ Y tế - Tài chính và Bảo hiểm Xã hội đang trình dự thảo danh mục 400 dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh tăng giá. Nếu được thông qua, người bệnh vẫn là đối tượng đầu tiên sẽ bị ảnh hưởng bởi điều này, nhất là đối tượng không có bảo hiểm y tế.

Trong dự thảo lần này, giá thành của nhiều dịch vụ, kỹ thuật đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời giá, ví dụ: giá khám bệnh được tăng từ 3.000 đồng/lượt lên 20.000 đồng/lượt, giá giường bệnh thường tăng từ 10.000 đồng/ngày lên 18.000 đồng/ngày, giường hồi sức tích cực là 160.000 đồng/ngày.
Cũng theo dự thảo, nếu bệnh nhân phải nằm ghép, viện phí sẽ được tính theo tỷ lệ giảm xuống 70% nếu nằm ghép 2 người và 40% đối với 3 người. Tuy nhiên, về tổng thể với 400 dịch vụ dự kiến tăng giá, chi phí người dân phải bỏ ra khi khám chữa bệnh sẽ đội lên không ít.
Chị Thái Thị Kim Thu, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho rằng: "So với thị trường, việc tăng giá là hợp lý nhưng đối với nhiều gia đình như gia đình tôi là khó khăn, bởi vì kinh tế gia đình không có thu nhập cao, tôi thất nghiệp, chồng tôi mới có việc, lương 3 triệu/tháng".
Với ca bệnh thông thường như giãn phế quản, người bệnh phải trải qua không ít xét nghiệm. Ước tính, để điều trị khỏi bệnh phải hết khoảng 7 triệu, nếu điều chỉnh như dự thảo, ít nhất 1 trong số các xét nghiệm này sẽ tăng giá thêm. Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, gánh nặng lại càng nặng thêm.
Theo TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương: "Ở Việt Nam hiện nay, nguồn ngân sách còn rất hạn chế nên rất cần sự chia sẻ của người bệnh. Theo đó, để gỡ bài toán khả năng chi trả của người bệnh ảnh hưởng khi tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh, công cụ tài chính là BHYT toàn dân là hữu hiệu".
Tăng viện phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khoảng 30 triệu người dân Việt Nam chưa tham gia bảo hiểm y tế. Rất nhiều người trong số này lại thuộc diện thu nhập thấp hoặc không có công việc ổn định.
Mặt khác, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với khung giá viện phí mới, dự tính quỹ sẽ phải tăng chi thêm khoảng 6000-7000 tỷ đồng/năm. Vì vậy, nếu viện phí tăng, cơ quan này cũng dự kiến sẽ đề nghị lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm đang là 4,5% lên 5% mức lương cơ bản hàng tháng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước