Năm 2010, da giầy giữ vị trí thứ 2 trong nhóm những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam và đạt gần 5,1 tỷ USD. Trong đó, liên minh châu Âu – EU chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu và giầy mũ da chiếm 30%. Tuy nhiên, cùng với Việt Nam, giầy mũ da của Trung Quốc cũng sẽ được dỡ bỏ thuế chống bán phá giá. Điều đó cũng có nghĩa là cuộc cạnh tranh với giầy Trung quốc càng trở nên khó khăn hơn .
Công ty liên doanh Pacific có gần 7000 công nhân và thị trường EU chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu giầy mũ da của đơn vị này. Từ 4 năm trở lại đây, việc Cộng đồng châu Âu (EC) áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam, đã khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Theo nhận định của doanh nghiệp, việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá sẽ là cơ hội lớn để ngành da giầy đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Ông Lê Mạnh Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty PACIFIC Bình Dương phát biểu: “Chúng ta sẽ cạnh tranh sòng phẳng hơn. Đơn giá dễ làm hơn và sẽ có thêm nhiều đơn hàng và sản xuất sẽ thuận lợi hơn”.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam: “Đây là một cơ hội tốt, các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu đón nhận thông tin này rất vui mừng. Chúng tôi hy vọng mức độ tăng trưởng do hiệp hội đặt ra là tăng kim ngạch xuất khẩu 10 - 15% trong năm 2011 sẽ có thể đạt được”.
Tuy nhiên, cùng với Việt Nam, EU cũng dỡ bỏ thuế chống bán phá giá cho cả Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu giầy số 1 thế giới. Hơn nữa, phần lớn nguyên phụ liệu của ngành da giầy nước ta đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đứng trước sức ép cạnh tranh mới.
Ông Jean - Jacques Bouflet, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn EU tại Việt Nam: “Về kỹ thuật thì việc này sẽ giúp giảm giá thành giầy sản xuất ở Việt Nam khoảng 10%. Tuy nhiên, thuế chống bán phá giá có áp cả với giầy từ Trung Quốc là 16,5%, cao hơn Việt Nam 6,5%. Nên từ ngày 31/3, khi cả hai bên cùng được dỡ bỏ thuế chống bán phá giá, thì giầy Việt Nam không có lợi thế so với giầy Trung Quốc nữa. Các bạn lưu ý là ngay cả khi bị áp thuế chống bán phá giá Trung Quốc vẫn tăng xuất khẩu giầy sang châu Âu, nhưng Việt Nam thì không”.
Ông Vũ Xuân Tạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần 32 - TP.HCM cho rằng: “Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đi theo hướng chất lượng sẽ có mảng thị trường riêng và sẽ phát huy được. Còn nếu theo mảng giầy đa dạng mẫu mã, đơn giản mà giá rẻ thì không theo được Trung Quốc”.
Cũng cần phải nói thêm là EC vẫn sẽ duy trì cơ chế giám sát thêm 1 năm nữa nên khả năng tái áp thuế vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, cần phải có một cơ chế giám sát để các doanh nghiệp không ghi giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thật và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm ngăn ngừa tình trạng biến Việt Nam trở thành nơi trung chuyển hàng từ các quốc gia bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường châu Âu.