Nhiều người vẫn chưa có thói quen thanh toán qua thẻ. Ảnh: saga
Đầu tuần qua, NHNN đã chính thức đưa ra Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt để lấy ý kiến rộng rãi trong công chúng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Bản Dự thảo Nghị định này được đưa ra trong bối cảnh chúng ta vừa hoàn tất kế hoạch 5 năm triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010.
Các số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã đạt được các bước tiến dài trong việc hạ tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trên thị trường khi mà vào năm 2006, tỷ lệ này là trên 17,2% thì vào cuối năm nay dự kiến xuống còn 13,5%. Tuy nhiên, cũng theo Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ này còn có thể khả quan hơn nhiều nếu như các ngân hàng thương mại thời gian qua không bỏ lỡ nhiều cơ hội, đặc biệt là từ chủ trương trả lương qua tài khoản ATM đối với những người làm công ăn lương tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Để đánh giá mức độ thanh toán không dùng tiền mặt thì Việt Nam thời gian qua thường lấy tỷ lệ giữa thanh toán bằng tiền mặt với tổng phương tiện thanh toán để làm thước đo. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay thì nhiều nước lại sử dụng tiêu chí tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP để đánh giá tình hình thanh toán không dùng tiền mặt trong lưu thông của nền kinh tế. Và nếu tính theo tiêu chí này thì tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt của VN trong những năm gần đây ở mức khoảng 20%, tức là cao gấp gần 2,5 lần Thái Lan, gấp gần 4 lần Malaysia và gấp hơn 5 lần các nước châu Âu.
Rõ ràng, để hạ dần tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong 5 năm tới đây đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng, Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt nếu sớm được ban hành sẽ là cơ sở để chúng ta phấn đấu đưa tỷ lệ tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán từ mức 13,5% vào cuối năm nay xuống thấp hơn 11% vào năm 2015.
Để làm được điều này thì không chỉ hạ tầng thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng cần tăng từ 3 đến 5 lần so với hiện nay, mà chúng ta còn cần đến nhiều hình thức thanh toán mới phù hợp với điều kiện và đặc điểm của khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây thực sự là thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đã đầu tư khá nhiều cho dịch vụ thanh toán thẻ, nhưng chưa ngân hàng nào có lãi.
Tin bài có liên quan
Năm 2011: Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tiếp tục giảm