Thị trường mua bán nợ: Cần nhân tố mới

Minh Hường - Quang Huy-Thứ hai, ngày 11/06/2012 11:45 GMT+7

Nợ xấu tăng đột biến trong khi nhu cầu xử lý nợ đang rất cấp bách. Có vẻ như thị trường mua bán nợ đang cần những nhân tố mới bên cạnh vào công ty mua bán nợ hiện tại.

Cần những nhân tố mới cho thị trường mua bán nợ Việt Nam (Ảnh minh họa: VnEconomy)
10% là tỷ lệ nợ xấu mà Thống đốc vừa công bố. Con số này gấp đến 3 lần so với tỷ lệ được báo cáo cách đây không lâu. Với một lượng nợ xấu tăng đột biến và nhu cầu xử lý cấp bách như vậy, thị trường mua bán nợ xấu non trẻ của Việt Nam đang phải gánh một trọng trách quá lớn so với kinh nghiệm và tiềm lực của mình.
Hiện tại, công ty mua bán nợ quốc gia thuộc bộ Tài chính và 20 công ty mua bán nợ trực thuộc ngân hàng thâu tóm hầu hết thị trường mua bán nợ. Thế nhưng, chỉ cần dạo quanh một vòng các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC), cũng có thể thấy, hiệu quả hoạt động của các công ty này như thế nào.
Thanh lý tài sản gán nợ, quản lý tài sản cầm cố, Thu hồi nợ cho ngân hàng mẹ... nhiều công ty AMC thuộc các ngân hàng hiện nay chỉ có thể loanh quanh với mấy nghiệp vụ này. Còn việc xử lý nợ xấu thì gần như không thực hiện.
Website của các công y AMC do đó trở thành một nơi giao dịch tương tự sàn giao dịch bất động sản với đầy ắp các rao vặt bán nhà, đất. Đấy là chưa kể một số trường hợp, các công ty AMC còn là công cụ để các ngân hàng lách quy định của Nhà nước.
“Một số ngân hàng chỉ dùng để tạm thời che giấu nợ xấu. Một số ngân hàng dùng để lách một số quy định của nhà nước như lách trần tín dụng. Vì thế sẽ không giải quyết được gốc của vấn đề là xử lý nợ xấu”, ông Phạm Hồng Hải, Ngân hàng HSBC thẳng thắn.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là các ngân hàng không có động lực xử lý nợ xấu, vì khi bán nợ xấu, thường họ phải chấp nhận ghi nhận lỗ trên sổ sách. Điều này, các ngân hàng không muốn. Nên các các công ty AMC phụ thuộc ngân hàng mẹ cũng chẳng mặn mà với xử lý nợ.
Cũng theo ông Hải, “phải có áp lực từ chính phủ yêu cầu ngân hàng giải quyết nợ xấu” mới có thể giải quyết tình trạng này.
Hiện trên thị trường đã có công ty Mua bán nợ cấp quốc gia, có tên gọi là DATC thuộc bộ Tài chính với số vốn 2.481 tỷ đồng. Tuy nhiên, một bất cập tại đây là tốc độ xử lý nợ rất chậm chạp. Có khi phải mất từ 3-5 năm để xử lý một khoản nợ. Lãnh đạo DATC lí giải chậm trễ như vậy là do nhiều vướng mắc trong cơ chế xử lý nợ hiện hành, và khẳng định vẫn đáp ứng được nhu cầu xử lý nợ hiện nay nếu các vướng mắc trên được điều chỉnh.
“Cá nhân tôi đề nghị NHNN phối hợp với bộ Tài chính đánh giá vướng mắc hiện tại đang cản trở xử lý nợ xấu là gì, để cùng tháo gỡ, và sử dụng DATC đã có kinh nghiệm và thành công ban đầu thay vì thành lập một công ty mới gây lãng phí nguồn lực và cần nhiều thời gian bắt tay vào công việc”, ông Phạm Mạnh Thường, PTGĐ công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng - DATC thuộc bộ Tài chính kiến nghị.
Được biết, trong 8 năm từ khi thành lập đến nay, DATC đã thực hiện 118 phương án xử lý nợ với giá trị sổ sách là hơn 7.400 đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm, DATC xử lý được 928 tỷ đồng nợ.
Tuy nhiên với khoản nợ xấu ngân hàng gia tăng đột biến đến 270 nghìn tỷ như hiện nay thì tốc độ xử lý của DATC phải tăng lên gấp cả trăm lần mới đáp ứng đủ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước