Thị trường vàng mã nhộn nhịp trước Rằm tháng Bảy

Thu Ngà-Thứ ba, ngày 16/08/2016 07:12 GMT+7

Một cửa hàng bán đồ vàng mã dịp Rằm tháng Bảy

VTV.vn - Những ngày cận Rằm tháng Bảy, nhu cầu mua sắm vàng mã tăng cao, thị trường dành cho mặt hàng này cũng vì thế sôi động và "nóng" hơn nhiều so với ngày thường.

Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng Bảy là ngày Xá tội vong nhân, cũng là Lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ. Đây là dịp quan trọng trong năm để con cháu thể hiện sự biết ơn với tổ tiên ông bà và những người đã khuất.

Cùng với cơm chay, mâm ngũ quả, cháo trắng, hoa tươi theo tục lệ, người dân thường chuẩn bị thêm đồ vàng mã để đốt cho người đã mất, bày tỏ lòng thành. Chính vì thế, Rằm tháng Bảy cũng là lúc thị trường vàng mã nhộn nhịp hơn trong năm.

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cũng như trên các tuyến phố chuyên bán vàng mã như Lương Văn Can, Hàng Mã, không khí sắm sửa của người dân đã rất sôi động. Với lượng hàng hóa phong phú, nhiều chủng loại và mẫu mã, phố Hàng Mã là địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người dịp Rằm tháng Bảy.


Các loại quần áo, đồ dùng hàng mã bày la liệt tại các cửa hàng nhằm đáp ứng sức mua tăng vọt trong những ngày cận Rằm tháng Bảy

Các loại quần áo, đồ dùng hàng mã bày la liệt tại các cửa hàng nhằm đáp ứng sức mua tăng vọt trong những ngày cận Rằm tháng Bảy

Chị Thu Hoài, một tiểu thương tại phố Hàng Mã cho biết: "Hàng mã bắt đầu vào vụ từ đầu tháng cho tới nay, càng gần tới Rằm thì lượng khách càng đông. Bên cạnh các loại tiền âm phủ, quần áo, mũ giống mọi năm, nhiều hàng hóa hiện đại cũng rất đắt khách vì nhiều người nghĩ trần sao âm vậy. Váy áo hàng hiệu, mũ, kính, điện thoại di động bán chạy, giá cả cũng phải chăng, không quá xa xỉ và đắt tiền".


Mặc dù trời mưa khá nhiều trong những ngày qua, người dân vẫn tranh thủ lên phố Hàng Mã mua sắm đồ cúng ông bà tổ tiên

Mặc dù trời mưa khá nhiều trong những ngày qua, người dân vẫn tranh thủ lên phố Hàng Mã mua sắm đồ cúng ông bà tổ tiên

Cụ thể, một bộ đầy đủ điện thoại, máy tính bảng được thiết kế khá công phu có giá 150.000 - 170.000 đồng. Quần áo, giày dép truyền thống, đồ dùng cá nhân từ 30.000 - 80.000 đồng/bộ. Ô tô, xe máy, biệt thự, tủ lạnh, máy giặt có giá trên dưới 200.000 đồng, hàng cao cấp được đặt trước từ 400.000 - 500.000 đồng, thậm chí cao hơn, tùy theo nhu cầu của khách.


Biệt thự đẹp, máy giặt, tủ lạnh... được đóng gói cẩn thận tránh mưa và bụi, treo kín các gian hàng

Biệt thự đẹp, máy giặt, tủ lạnh... được đóng gói cẩn thận tránh mưa và bụi, treo kín các gian hàng


Xe máy xịn thiết kế không khác gì hàng thật được bán sẵn tại hầu hết các cửa hàng

Xe máy "xịn" thiết kế không khác gì hàng thật được bán sẵn tại hầu hết các cửa hàng

Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, khách không còn mua nhiều hàng hóa đắt tiền như những năm trước. "Phổ biến nhất vẫn là quần áo, tiền vàng có giá bình dân, lại thuộc loại cơ bản nên nhà nào cũng phải mua một vài bộ. Năm nay, khách hàng cũng không mặn mà với sản phẩm cầu kỳ có giá cao như những năm trước. Chỉ khi khách có nhu cầu, chúng tôi mới nhập hàng về cung cấp. Nhìn chung, sức mua năm nay vẫn ở mức tương đối nhưng giảm hơn so với vài năm trước", chị Hoài cho biết.

Chị Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng tranh thủ mua một số đồ dùng bằng vàng mã cần thiết để sửa soạn cho mâm lễ cúng tối 14 Âm lịch. "Tôi muốn tìm một số vật dụng như lược chải đầu, giày dép, quần áo và một chiếc vali nhỏ để ông bà dùng cho tiện. Cũng không phải mua quá nhiều đồ to đẹp, tỉ mỉ, như thế rất lãng phí, cúng Rằm tháng Bảy cốt ở lòng thành là đủ rồi".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước