Gần 100 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị sập, hỏng, tốc mái, hơn 80.000 ha hoa màu, thủy sản mất trắng, gần 45.000 gia súc, gia cầm bị chết – những con số đau lòng này đã khiến báo chí tuần qua đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân của những thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua.
Thiên tai là chuyện của trời nhưng con người cũng phải chịu trách nhiệm. Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định nguyên nhân trực tiếp là do phá rừng bừa bãi, khiến diện tích che phủ của rừng bị mất mỗi năm lại tăng theo cấp số nhân và khiến rừng không còn khả năng giữ nước.
Vào tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng. Tuy nhiên, chỉ từ năm ngoái tới nay, đã có 2.000 vụ phá rừng với diện tích lên tới hàng nghìn ha. Chỉ riêng ở Tây Nguyên, từ năm 2016 đến nay, diện tích rừng đã giảm 11.000 ha. Nếu mệnh lệnh của Thủ tướng vẫn không được thực hiện nghiêm, một câu nói cay đắng sẽ lại được sử dụng: "Về cơ bản, chúng ta đã phá xong rừng".
Theo báo Đại đoàn kết, với tầm nhìn ngắn hạn và phiến diện, những người được giao quản lý nhà nước trên địa bàn đã hy sinh sự phát triển bền vững chỉ vì lợi ích trước mắt với việc phá rừng hợp pháp như vậy nhân danh chính quyền, nhân danh sự đồng thuận tập thể. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Tờ Thanh niên chỉ ra rằng chủ đầu tư các dự án thường "đi đêm" với chính quyền địa phương để được phê duyệt dự án trong khu vực có rừng bởi phá rừng dù là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì giá đền bù, giải tỏa thường rất rẻ. Các dự án cũng được triển khai rất nhanh để đưa mọi việc vào "sự đã rồi", sau đó tìm cách hợp pháp hóa. Thậm chí, đang có một cuộc chạy đua phá rừng núp bóng phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!