Chưa bao giờ số người mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội lại cao như hiện nay. Người dân rõ ràng có cơ sở để lo lắng còn ngành y tế cũng đang thể hiện sự quyết tâm trong công tác phòng chống sốt xuất huyết bằng việc diệt muỗi và bọ gậy.
Người dân cho rằng phòng chống sốt xuất huyết hay diệt muỗi và bọ gậy là nhiệm vụ của cơ quan y tế dự phòng. Nhưng trên thực tế, để triển khai hiệu quả phải có sự phối hợp của 3 bên: chính quyền địa phương, cơ quan y tế và người dân.
Tại Hà Nội, trong quá trình phun hóa chất chỉ có một nửa số gia đình đồng ý phun toàn bộ nhà. Như vậy, việc diệt muỗi đương nhiên sẽ không hiệu quả, thậm chí có hộ còn không đồng ý phun trong nhà nhưng lại yêu cầu phun ngoài vườn.
Đã có không ít tình huống dở khóc, dở cười khi đội phun hóa chất tới với các hộ gia đình.
Khi người dân còn thiếu sự hợp tác trong phòng chống sốt xuất huyết thì dịch tại Hà Nội dù có giảm nhưng cũng không mang tính bền vững. Tuy nhiên, một thực tế khác là hiệu quả diệt bọ gậy của đội xung kích chưa triệt để, vẫn còn gần 18% số gia đình còn bọ gậy sau khi đội xung kích làm việc.
63 tỉnh thành phố có bệnh nhân sốt xuất huyết, với gần 117.000 ca và 29 ca tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết diễn phức tạp, số ca bệnh tăng liên tục, có thời điểm mỗi tuần ghi nhận gần 3.500 bệnh nhân và có tới 700 nhập viện. Các bệnh viện trở nên quá tải.
Hà Nội đã đưa ra hàng loạt các giải pháp, trong đó tập trung vào việc phun hóa chất tổng lực diệt đàn muỗi mang mầm bệnh và thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy.
Đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm mỗi tuần từ 200 đến 500 ca. Tuy nhiên, mỗi tuần Hà Nội vẫn ghi nhận khoảng hơn 2.500 ca.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!