Thiếu trầm trọng giảng viên ngoại ngữ bậc Đại học

Diệu Quỳnh-Thứ hai, ngày 03/10/2011 07:15 GMT+7

Thiếu giảng viên ngoại ngữ, đó là khó khăn lớn nhất trong đào tạo ngoại ngữ hiện nay ở bậc Đại học. Tại Đại học Đà Nẵng, 50 giảng viên ngoại ngữ phải phụ trách giảng dạy cho cả 5 trường thành viên...

“Đề án ngoại ngữ quốc gia” xác định mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng và Đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người Việt Nam. Nhưng với thực tế đào tạo ngoại ngữ tại các trường ĐH-CĐ như hiện nay, thì con đường hiện thực hoá mục tiêu này vẫn còn lắm gian nan.

Thiếu giảng viên ngoại ngữ, đó là khó khăn lớn nhất trong đào tạo ngoại ngữ hiện nay ở bậc Đại học. Tại Đại học Đà Nẵng, 50 giảng viên ngoại ngữ phải phụ trách giảng dạy cho cả 5 trường thành viên với số lượng sinh viên lên đến hàng chục nghìn. Đầu vào không đồng đều của sinh viên cũng gây không ít khó khăn cho giáo viên khi triển khai bài học. Cùng với đó là nhiều vấn đề nan giải khác.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, giảng viên ngoại ngữ Đại học Đà Nẵng cho biết: “Cái khó khăn lớn nhất cản trở giáo viên có thể áp dụng những phương pháp dạy mới, ảnh hưởng đến chất lượng giờ học là phương tiện trong lớp không được trang bị chuyên biệt cho việc học ngoại ngữ. Phòng học cũng không nằm trong một khu riêng. Hệ thống thư viện, nguồn sách vở để cho sinh viên có thể tiếp cận và tự học cũng hạn chế”.
Trong khi đó, theo sinh viên Nguyễn Lê Lộc Tiên, Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, “Trong môi trường Đại học, việc học ngữ pháp rất nhiều và rất nặng, cho nên nhiều lúc sinh viên cảm thấy khó tiếp thu. Thứ hai là khả năng nghe và nói ít được chú trọng, nên sinh viên rất ít khi cảm thấy tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài”.
Trước thực trạng đó, các nhà giáo đã cùng ngồi lại, thảo luận và tìm ra giải pháp khả thi cho vấn đề đào tạo ngoại ngữ. Đại học Đà Nẵng đã thành lập các tổ ngoại ngữ chuyên ngành tại các trường thành viên, tiến hành sát hạch ngoại ngữ đầu vào và đặt ra quy định sinh viên phải đạt 6.5 điểm Toiec mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Từ đây, tạo động lực để chính các em phải đầu tư hơn cho việc học ngoại ngữ.
Theo các nhà quản lý giáo dục, ý thức tự học của sinh viên cũng đóng vai trò lớn, tự bản thân người học phải thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ thì việc giảng dạy mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ học tập cho sinh viên, nhất là sinh viên nông thôn, miền núi.
TS.Lê Viết Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ, phụ trách đào tạo ngoại ngữ các trường thành viên Đại học Đà Nẵng cho biết: “Sẽ cải tiến chương trình đào tạo chính khóa trong phạm vi học tập trong thời khóa biểu, giảm số lượng sinh viên trong từng lớp học xuống cho phù hợp với đặc điểm của giờ học ngoại ngữ".
"Chúng tôi giúp cho các em tổ chức những khóa ngoại ngữ tăng cường, cho các em tự nguyện đóng góp với một mức học phí rất thấp để giúp cho các em, nhất là các em vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện học ngoại ngữ phổ thông, để trong một thời gian sớm nhất, có thể đạt được trình độ ngoại ngữ tối thiểu để có thể theo học được cở bậc chính quy”.
Nỗ lực tự làm mới mình trong khâu tổ chức giảng dạy và tăng cường phương pháp “học cộng tác”, tức là tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tiếp với sinh viên nước ngoài để trau dồi khả năng giao tiếp trong môi trường quốc tế cho sinh viên Việt Nam, đó sẽ là hai hướng chính mà các trường tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đây là bước đệm quan trọng, góp phần nâng chất lượng đào tạo ngoại ngữ bậc ĐH-CĐ, để trong một tương lai không xa, ngoại ngữ thực sự trở thành thế mạnh của người Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước