Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Mặc dù vẫn còn những tồn tại, bất cập nhưng các địa phương cần dành thời gian, nguồn lực cho phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" để trên cả nước càng ngày càng có nhiều cộng đồng, gia đình văn hóa đầy ắp tiếng cười, tình cảm thân thương, chia sẻ. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 18 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Qua 18 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đã có trên 19 triệu trong tổng số hơn 22 triệu gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa" và đã có trên 69.000 trong tổng số trên 106.000 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Tuy nhiên, phong trào này đã không còn duy trì được sự hứng khởi, sự lan tỏa và tính thiết thực như những năm đầu. Đặc biệt là việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa ở nhiều nơi trở thành hình thức. Còn trong cuộc sống vẫn có rất nhiều biểu hiện tiêu cực.
Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu không có phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thì tình hình có thể sẽ xấu hơn. Bởi 18 năm qua, phong trào đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Đây là sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc. Bởi nếu chỉ có đời sống vật chất mà không có tinh thần, không có văn hóa thì không có ý nghĩa gì nữa. Hơn nữa, ở Việt Nam, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN chứ không phải xây dựng xã hội thị trường.
Thực hiện lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Thủ tướng đề nghị phải làm cho văn hóa thật sự là động lực, nền tảng tinh thần của xã hội. Đồng thời cần làm cho con người Việt Nam đủ sức đề kháng với mặt phản văn hóa trong toàn cầu hóa. Vì thế phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cả cấp độ quốc gia lẫn trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn. Cũng như cần đấu tranh chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực và trái đạo lý. Bởi không có câu phê phán nào đau buồn hơn việc người ta nói một người kém văn hóa, gia đình kém văn hóa hay thôn bản kém văn hóa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với hơn 19 triệu gia đình văn hóa, trên 1,2 triệu tấm gương người tốt, việc tốt, đây là những hạt nhân, điểm sáng cần tiếp tục được nhân rộng.
Trên tinh thần của Nghị định mới về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân dân phố văn hóa, với nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc bình xét và phong tặng các danh hiệu văn hóa, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đi cùng với việc phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Thủ tướng cũng cho rằng, cuộc sống luôn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nên đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh đưa đất nước đến những thành công. Do đó, cần phải tạo ra một động lực mới, khí thế mới, phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để toàn dân chung sức, chung lòng thực hiện tốt phong trào, xây dựng nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!