Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Sáng 4/1, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một mặt biểu dương ngành này và bà con nông dân đã đạt được nhiều thành tích trong năm 2017, song Thủ tướng cũng khuyên ngành đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong nhiều năm qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm ngoái tăng 2,9%, nếu không bị thiệt hại nặng bởi cơn bão số 10 và 12 thì có thể tăng trưởng được trên 3%. Năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 36,37 tỷ USD, tăng cao hơn so với năm ngoái tới 13% và thặng dư thương mại đạt trên 8,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, năm ngoái đã có gần 2.000 hợp tác xã và 1.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp nông nghiệp có từ trước tới nay. Ngay trong năm nay sẽ có 5 nhà máy chế biến khoảng 1 triệu tấn rau quả đi vào hoạt động. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng từ 2,8-3%, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 37-38 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2017 đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2016 và đóng góp 0,44% vào tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhìn thẳng sự thật, nói cả thành tích và tồn tại, hạn chế. Thủ tướng cho biết sẽ chỉ ra thêm nhiều hạn chế, tồn tại của ngành đó là tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ. Trồng trọt theo thói quen tiểu nông, nhỏ lẻ còn phổ biến. Đi cùng với vi phạm trong lĩnh vực giống và vật tư nông nghiệp, tình trạng khai thác thủy sản không báo cáo còn lớn và nhiều vụ phá rừng vẫn diễn ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp hiện chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%, nên đời sống của một bộ phận nông dân còn rất khó khăn. Chưa kể, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp, kéo theo năng suất lao động của cả nước thấp theo. Một tồn tại nữa cũng được Thủ tướng chỉ ra đó là tình trạng khiếu kiện ở nôn thôn còn nhiều, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tự hỏi mình, chứ đừng hỏi người dân về nguyên nhân của tình trạng này, nhằm không để lòng dân ở nông thôn không yên.
Giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tạo được chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời khẳng định lại chỉ tiêu tăng trưởng của ngành trong năm nay là 3%. Xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với năm ngoái, chứ không chỉ là 38 tỷ USD như Bộ đã đặt ra.
Để từng bước khắc phục được những tồn tại và thực hiện được các mục tiêu phát triển bao trùm, Thủ tướng yêu cầu Bộ và nhất là lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải "xắn quần móng lợn" lội ruộng với nông dân, đi sát dân để triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 với phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xử lý đồng bộ một bước những vấn đề bức xúc như nước, phân, giống và môi trường ở nông thôn. Đồng thời yêu cầu 28 tỉnh, thành có biển phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản không khai báo và không được quản lý, để Việt Nam thoát thẻ vàng của EU ngay trong nửa đầu của năm.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng tự nhiên và quản lý chặt chẽ hơn nữa việc chuyển đổi đất rừng. Bởi ngay ngày 3/1, Thủ tướng đã không cho phép một địa phương chuyển đổi một diện tích lớn rừng để làm việc khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm nay phải sửa và bãi bỏ thêm 59 điều kiện kinh doanh để đạt mục tiêu bỏ 50% thủ tục. Đồng thời phải cắt giảm một nửa trong số 7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi xuất nhập khẩu. Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, cần phải đạt 37% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới so với 32% hiện nay và 52 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí này, tăng 9 huyện so với năm nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!