Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: VGP)
Phát biểu tại Diễn đàn nguồn nhân du lịch của TP.HCM vào sáng nay (12/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt 3 câu hỏi đối với ngành du lịch cả nước, đồng thời nhấn mạnh, ngành du lịch phải xác định đúng bản chất vấn đề thì mới có thể tháo gỡ được những nút thắt, trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về lượng lẫn về chất.
Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, nếu cách đây 4 năm, du lịch Việt Nam đứng ở vị trí 75 trong 136 nước và vùng lãnh thổ, hai năm sau đã vươn lên 8 bậc và đứng ở vị trí 67 thế giới. Du lịch phát triển nhanh dẫn đến cung về nguồn nhân lực không đáp ứng đủ nhu cầu. Mỗi năm toàn ngành đang cần bổ sung thêm 40 nghìn lao động được đào tạo, nhưng 346 cơ sở có đào tạo du lịch trong cả nước hiện mới chỉ đào tạo được 15.000 người. Trong đó, chỉ hơn 1/10 có chất lượng cao tức là trình độ từ cử nhân trở lên. Ở TP.HCM, một trung tâm đào tạo của cả nước, nhưng cũng chỉ có 18 trường Đại học có đào tạo về du lịch, nhưng chưa trường nào được đạt chuẩn quốc tế và mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu. Chỉ riêng Đại học Hoa Sen mỗi năm nhận được đặt hàng đào tạo 5000 sinh viên du lịch.
Hoan nghênh TP.HCM và Đại học Hoa Sen tổ chức một diễn đàn quy mô để tìm lời giải cho một vấn đề cụ thể của ngành du lịch. Song, Thủ tướng cũng đặt ra 3 câu hỏi sát sườn, đó là Ngành du lịch Việt Nam liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lao động có kỹ năng ở trong và ngoài nước hay không? Hơn nữa, nguồn nhân lực du lịch, không chỉ cho các công ty du lịch. Đó còn là người dân và các cộng đồng. Từ những chị bán chè ven đường, những quán gánh, người lái xe taxi cũng là nhân lực cho phát triển du lịch chứ không chỉ có nhân lực trong các trường học. Chính họ sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn và sự tồn vong của du lịch Việt Nam. Vì thế nguồn nhân lực này cũng cần phải được phát huy.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, du lịch không chỉ là một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu. Do đó, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong ngành du lịch, bởi sự tương tác về văn hóa và con người đóng vai trò quyết định đối với sức cạnh tranh cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Vì thế, các trường đại học, cơ sở đào tạo cần cập nhật trở lại giáo trình, phương pháp đào tạo và nhất là học phải đi đôi với hành. Cho dù, chỉ số nguồn nhân lực và thị trường lao động du lịch, đã vươn lên thứ 37, tăng tới 18 bậc.
Một câu hỏi có tính chiến lược mà Thủ tướng đặt ra với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là các Bộ này đã làm gì để để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá chiến lược đối với ngành du lịch Việt Nam? Đây là một việc nghiêm túc, chứ các bộ không thể chờ địa phương. Bởi du lịch Việt Nam đang đứng thứ 67 trên toàn cầu, nhưng với hơn 15 triệu khách du lịch nước ngoài thì vẫn chưa là gì nêu so với các nước xung quanh.
Để tạo ra đột phá, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, sớm đón được từ 45 đến 50 triệu khách nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành du lịch cần 3 chữ "C". Đó là "Con người". Trong đó, cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch của người dân, đặc biệt là người dân bản địa. Chữ C cần có thứ hai là "Cơ sở hạ tầng". Trong đó có hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng mềm, đặc biệt là văn hóa và hạ tầng thông minh như Chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Chữ "C" thứ 3 là "Chiến lược". Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có tầm nhìn chiến lược về phát triển du lịch, trong đó có đào tạo lao động. Thủ tướng mong rằng, sau diễn đàn này, ngành du lịch sẽ gỡ được nút thắt để ngành phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!