Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: TTXVN
Tới kiểm tra tình hình sản xuất và thăm các công nhân của Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tiền thân là Nông trường Đồng Giao trước đây, tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, vào buổi sáng làm việc chính thức đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với kinh tế số, nông nghiệp thông minh hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa Việt Nam hoàn thành được mục tiêu kép.
3 năm qua, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đến thăm hỏi, động viên bà con nông dân và thăm mô hình nông nghiệp hiệu quả. Với Tam Điệp, Ninh Bình, đây là nơi là 230 năm trước đây, Hoàng Đế Quang Trung đã chọn làm nơi khao quân trước khi thần tốc tiến vào Kinh thành Thăng Long. Hôm nay, trong thời điểm người dân Ninh Bình cũng như cả nước đang hồ trở lại ruộng đồng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Ninh Bình cũng như ngành nông nghiệp cả nước sẽ có bước tiến thần tốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng nguyên liệu của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ảnh: TTXVN)
Sau 15 năm, từ một nông trường quốc doanh chuyển thành công ty cổ phần, Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang đi đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu cung cấp vật tư đầu vào, trồng trọt, thu mua nguyên liệu, chế biến đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài 4.000 ha tại Đồng Giao, công ty còn có một diện tích đất lớn tại Gia Lai, đồng thời liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân tại 13 tỉnh, tạo công ăn việc làm cho trên 20.000 lao động.
Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Mỹ, Đức, châu Âu, với kim ngạch xuất khẩu tới 70 triệu USD. Từ mẫu hình về chuyển đổi thành công từ một nông trường thuần túy sang một công ty cổ phần, Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp nước ta không chỉ là bài toán kinh tế, là sinh kế lâu dài của phần đông dân số Việt Nam mà còn là vấn đề xã hội rộng lớn, là điều kiện, quyết tâm của Việt Nam trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì một nước Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cho rằng, vì lý đo đó, trong định hướng phát triển Việt Nam, nông nghiệp cần được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vào năm 2021. Ở cương vị Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Thủ tướng sẽ hết sức quan tâm và chỉ đạo xây dựng nội dung về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là lĩnh vực không thể thiếu được trong sự phát triển đất nước. Để đưa nông nghiệp Việt Nam thành nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, năng suất cao thì ngoài những kinh nghiệm truyền thống như "nước, phân, cần, giống", Thủ tướng cho rằng cần phải tập trung vào áp dụng công nghệ cảm biến, robot tự động, máy bay không người lái, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ in 3D và Internet vạn vật.
Bên cạnh công nghệ cao trong canh tác, chế biến sản phẩm, ngành nông nghiệp cũng phải hết sức quan tâm tới công nghệ quản trị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kết quả của ngành nông nghiệp thời gian qua mới chỉ là khởi đầu, do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan Trung ương và tất cả các tỉnh, thành trên cả nước cần tập trung lãnh đạo chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng khoa học công nghệ, đa dạng sản phẩm, đi sâu vào chế biến để có sản xuất hàng hóa lớn. Nền nông nghiệp này không chỉ bảo đảm tiêu dùng cho gần 100 triệu dân của Việt Nam mà còn để làm sao kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp không chỉ trên 40 tỷ USD như hiện nay mà còn có thể cao hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!