Thủ tướng: Phải biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng, đưa đất nước tiến lên

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 12/02/2020 19:19 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng cho rằng những người chiến sĩ trên mặt trận chống dịch và mặt trận kinh tế quyết tâm, phối hợp biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng, đưa đất nước tiến lên.

Phát biểu tại cuộc họp rất quan trọng giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ ngành về các giải pháp khắc phục các tác động đối với nền kinh tế Việt Nam từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng lúc này ở Việt Nam cần cùng lúc chống cả virus nCoV và một loại virus nữa là "virus trì trệ" để cả nước cùng đoàn kết, quyết tâm đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức và khó khăn hiện nay.

Bộ Y tế cho biết, hiện 7 trong số 15 người mắc bệnh do Covid-19 gây ra ở Việt Nam đã được chữa khỏi bệnh, 8 người còn lại đều ở thể nhẹ. Bộ Y tế tin chắn sẽ không ai bị tử vong trong những bệnh nhân này. Với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ và mọi thông tin về dịch bệnh này đều được công khai, minh bạch nên tâm lý của người dân về dịch bệnh này đang ổn định trở lại. Hiện Trung Quốc dự báo, 25% khả năng sẽ khống chế được dịch trong tháng 2, 50% vào tháng 3 và chỉ có 20% khả năng là dịch bệnh này được khống chế vào tháng 6. Do đó, hiện Trung Quốc cũng chưa tính đến việc hạ thấp các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Một số ngành như nông nghiệp, du lịch và hàng không của Việt Nam sẽ bị tác động mạnh. Vì thế, để đạt được kịch bản tăng trưởng 6,8% của cả năm nay đòi hỏi các bộ quản lý kinh tế và các tỉnh, thành trọng điểm phải rất quyết liệt trong phát triển. Vì nếu đạt được mục tiêu này thì trong 3 quý tiếp theo của năm nay, nền kinh tế phải đạt được mức tăng trưởng ít nhất 7,5%. Trong đó, vẫn cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh như vừa qua, vì nếu để dịch lan rộng thì sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc còn rất phức tạp và chưa thể dự báo chính xác. Khả năng, từ tháng 3 các chuỗi sản xuất trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngay từ trước, trong và sau Tết, Chính phủ đã chỉ đạo rất nhiều biện pháp phòng chống quyết liệt, mạnh mẽ để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan ở Việt Nam. Vì không giống các nước khác, Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc và có rất nhiều hoạt động giao lưu, du lịch và giao thương.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chỉ lo chống dịch bệnh mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ vì nhiệm vụ năm nay của Chính phủ được Đảng và Quốc hội giao là rất nặng nề. Vì thế, tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia, đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành các nhiệm vụ. 

Từ các mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải chống cả 2 loại virus, một là Covid-19 và một loại virus nữa là "virus trì trệ", không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, không ai được được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của người dân.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết, sau khi Thủ tướng cho phép trao đổi thương mại trở lại ở một số cửa khẩu được kiểm dịch tốt, nguyên phụ liệu sản xuất và nông sản đã bắt đầu được thông quan trở lại ở mức độ chậm.

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần tập trung xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, không nên vì né một vài phần trăm thuế mà bán nông sản qua các chợ dân sinh. Vì hiện nay, xuất khẩu nông sản chính ngạch vẫn diễn ra bình thường. Bên cạnh đó, nông nghiệp phải chuyển nhanh sang chế biến để đưa vào hệ thống siêu thị của của Trung Quốc bởi trong dịch bệnh, thị trường nước này sẽ chuyển mạnh sang mua bán trực tuyến.

Lãnh đạo một số bộ ngành cũng cho rằng, trong năm nay, cần tăng cường đầu tư công và vốn ODA nhất là vào hạ tầng để bù lại sụt giảm của du lịch và hàng không. Hoặc cần coi, đây là một cú hích để thực hiện các chính sách dài hơi mà trước nay chưa triển khai được, như cho phép sử dụng tài khoản điện thoại di động để chuyển tiền và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, hoặc thực hiện sớm tắt tín hiệu điện thoại di động 2G để người dân chuyển sang dùng máy điện thoại thông minh, qua đó sẽ đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 0,5%, hoặc tăng cường các giải pháp để chống thất thu thuế từ các tập đoàn công nghệ xuyên biên giới như Google và Facebook. Đối với du lịch, Chính phủ cần miễn phí thị thực nhập cảnh từ 6-12 tháng cho khách đi tour trọn gói, miễn phí thị thực đơn phương cho một số nước và và mở rộng các nước được sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh vào Việt Nam.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại quyết tâm dù dịch bệnh do Convid-19 gây ra sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu, nhưng lúc này, Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Bởi lúc này, Chính phủ tuyệt đối không chủ quan, nhưng cũng không quá bi quan, vì trong nguy vẫn sẽ có các cơ hội mới. Vì thế, Chính phủ yêu cầu các bộ liên quan tiếp tục theo dõi và đánh giá toàn diện các tác động của dịch bệnh này để có giải pháp dài hơi, mạnh mẽ và quyết liệt hơn để thích ứng với tình hình hiện nay. Theo 3 kịch bản về tăng trưởng mới cập nhật, nếu dịch được dập tắt trong tháng 3, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng theo mục tiêu là 6,8%, nếu trong 3 quý tiếp theo đạt mức tăng trưởng 7,5%.

Với quyết tâm biến nguy thành cơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý đề xuất sẽ miễn phí visa cho khách du lịch đến từ một số thị trường trọng điểm, để hỗ trợ cho ngành du lịch và hàng không. Thủ tướng cho biết, chiều 11/2, Vietjet đã mở đường bay chính thức tới Ấn Độ để giảm bớt khó khăn từ sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Từ câu chuyện này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải trở bộ trong phát triển. Trước mắt cần thực hiện các giải pháp để ổn định tâm lý người tiêu dùng, tâm lý doanh nghiệp nhằm giải tỏa các điểm nghẽn tạo ra hoạt động bình thường của nền kinh tế. 

Để hỗ trợ sản xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời làm việc với các ngân hàng thương mại để giảm lãi suất vay, giảm chi phí logistic, đồng thời không tăng giá các loại dịch vụ trong năm nay như điện, y tế và giáo dục. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đươc giao làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn vừa bảo đảm nguồn cung thịt lợn vừa tiếp tục hạ giá mặt hàng này.

Cùng với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tư nhân trong nước, tới đây, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để vừa thúc đẩy phát triển thị trường này vừa giúp tiêu thụ vật liệu xây dựng. Thủ tướng cũng giao các bộ chuẩn bị thủ tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam để dồn vốn đầu tư công vào một số dự án trọng điểm. Song hành với tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu lại thị trường, coi trọng thị trường nội địa, Thủ tướng cũng yêu cầu tính toán để nhập khẩu kịp thời nguyên liệu cho sản xuất nhằm không để các chuỗi sản xuất trong nước bị gián đoạn do đứt gãy nguồn cung từ Trung Quốc.

Nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động của dịch bệnh cho nền kinh tế Nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động của dịch bệnh cho nền kinh tế

VTV.vn - Theo đại diện Bộ Công Thương, về lâu dài cần phải có những giải pháp căn cơ về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo thị trường, liên kết sản xuất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước