Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2015:

Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt cho DN

Chu Anh-Thứ ba, ngày 09/06/2015 09:31 GMT+7

Ảnh: Chu Anh/VTVNews

VTV.vn - Sáng nay 9/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp và dư luận.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 được diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại, đặt ra nhiều vấn đề “nóng” trong hội nhập kinh tế quốc tế cần được trao đổi thẳng thắn giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

VBF giữa kỳ năm nay với sự tham dự, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và 6 Bộ trưởng, gồm các phiên về Tổng quan môi trường kinh doanh; thương mại, du lịch và đầu tư: Các vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,  thị trường vốn ngân hàng… Đây đều là những vấn đề thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng.

Diễn đàn là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các DN trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Trải qua gần hai thập kỷ, VBF đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng DN. VBF đã đồng hành với quá trình đổi mới thể chế và quản lý kinh tế của đất nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Những tháng đầu năm 2015, kinh tế xã hội Việt Nam diễn ra trong bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều yếu tố thuận lợi song cũng có không ít những khó khăn thách thức như tình hình sản xuất kinh doanh của DN chưa thực sự khởi sắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, trong bối cảnh hôi nhập ngày càng sâu rộng, việc tiêu thụ nông sản ngày càng khó khăn.

Những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua một phần do sự bất ổn của kinh tế thế giới nhưng chủ yếu vẫn do những lý do chủ quan trong nội tại nền kinh tế. Vì thế Chính phủ đã tập trung chỉ đạo ba khâu đột phá về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức công tư PPP, cải cách đầu tư công để tập trung đầu tư có hiệu quả; khuyến khích thu hút đầu tư từ DN trong nước và nước ngoài; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng kinh doanh tốt, khắc phục nhanh mức nợ xấu xuống dưới 3% trong năm 2015, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường...

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm mạnh mẽ đổi mới nền kinh tế, năm 2015 và những năm tiếp th eo, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, năng động và hiệu quả hơn.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của mình, Việt Nam rất cần sự chung tay góp sức, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và cộng đồng DN trong nước và quốc tế.

Khu vực kinh tế tư nhân còn rất manh mún

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Khảo sát của VCCI đã cho thấy những tín hiệu lạc quan như 46% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 50% doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho biết thêm: bên cạnh tín hiệu lạc quan này, hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi và mặc dù kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp 50% GDP nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp trên 33% GDP. Điều này cho thấy, khu vực tư nhân còn quá manh mún.

Trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiđp nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, sức cạnh tranh không cao... đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc đã kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề chủ yếu nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân như: Xây dựng và thực hiện "Chương trình Quốc gia khởi nghiệp" để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và giúp thành lập các doanh nghiệp mới; Đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp; Cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả, tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay; Tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Đảm bảo sự phát triển an toàn cho doanh nghiệp...

Nhiều kiến nghị từ phía doanh nghiệp nước ngoài

Phát biểu tại diễn đàn, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam AmCham, khẳng định: Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế với Mỹ nói riêng, Năm ngoái tổng kinh ngạch thương mại giữa hai quốc gia tăng 20%, đặt 36.6 tỷ USD và tính đến năm 2020, con số này có thể tăng lên 72 tỷ USD nếu xu thế này tiếp tục duy trì và có thể cao hơn với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP.

Trong khi đó, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch của KoCham đã nêu những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải đồng thời đưa ra những kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề như: Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc gặp khó khăn khi nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng theo hướng dẫn của Thông tư 20 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành; Cần rút ngắn quá trình phê duyệt dự án điện tại khu vực miền Nam Việt Nam; Không áp dụng truy thu thuế nhập khẩu với các hàng hóa được nhập khẩu trước khi Thông tư 164/2013/TT-BTC có hiệu lực.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành ổn định kinh tế với mức tăng trưởng cao 6%, bình ổn giá cả và cán cân xuất nhập khẩu trong suốt 4-5 năm qua của Chính phủ Việt Nam. Ông Shimon Tokuyama cũng đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất với Chính phủ Việt Nam về quy chế tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng hộ trợ tăng trương dài hạn, cải thiện ngành công nghiệp chế tạo; Hoàn thiện nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới; Nới lỏng quy chế cấp thị thực...

Đề cập tới chính sách phát triển ngành du lịch, các diễn giả cho biết, tình hình khách du lịch sụt giảm những tháng đầu năm nay cho thấy, Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. 

Muốn nâng đóng góp của ngành du lịch vào GDP, Việt Nam nên mở rộng danh sách miễn thị thực cho công dân các nước thành viên Liên minh châu Âu và các nước trong hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương như Mỹ, Peru, Canada… Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống cấp thị thực quá cảnh để phát triển Việt Nam  như một trung tâm trung chuyển của khu vực.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt cho DN

Phát biểu tổng kết Diễn đàn DN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao những nghiên cứu sâu, đề xuất khuyến nghị thiết thực của các Hiệp hội, của các nhóm công tác nghiên cứu. Thủ tướng cũng cho biết sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp toàn bộ những khuyến nghị này, đồng thời giao các Bộ nghiên cứu xử lý.

"Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ quyết định, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết định, vấn đề gì thuộc về Luật, Pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ sẽ cân nhắc xem xét để trình Quốc hội với tinh thần là tạo mọi điều kiện thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm và nền kinh tế Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước