Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Hội nghị này nằm trong chuỗi hội nghị nhằm thúc đẩy cải cách hành chính để giải phóng sức sản xuất, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Cách đây 4 năm các doanh nghiệp ở Việt Nam đã có thể kê khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp một cửa quốc gia và từ đầu năm nay là giữa 5 nước ASEAN. Từ hệ thống một cửa, nay các Bộ sẽ quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp đó. Đến nay đã có 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,3 triệu hồ sơ được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Mặc dù mới chỉ có 53 thủ tục hành chính được xử lý trên hệ thống một cửa quốc gia, nhưng Ngân hàng thế giới tính toán, năm ngoái thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ và chi phí thông quan cho một lô hàng giảm được 19 USD. Còn với cơ chế một cửa ASEAN, từ đầu năm nay, Việt Nam là 5 nước ASEAN đầu tiên trao đổi thông tin giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, đã góp phần giảm đáng kể thời gian và chí phí cho doanh nghiệp.
Từ thực tế 3 năm qua, mới chỉ giảm được có trên 4.000 trong tổng số trên 82 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành phải cắt giảm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành phải phấn đấu giảm tỷ lệ phải kiểm tra chuyên ngành từ trên 19% các lô hàng nhập khẩu xuống dưới 15% nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó phải rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục một nửa trong 78.000 danh mục hàng hóa, sản phẩm phải chuyên ngành. Các Bộ, ngành cũng không được dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Đồng thời chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra, trừ trường hợp hàng hóa đặc thù.
Thủ tướng giao Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Chủ tịch chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến tại Hội nghị hôm nay, nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động trong tháng 8 và trình Chính phủ ban hành Nghị định về 2 cơ chế này trong tháng 9. Đây là nền tảng pháp lý tháo gỡ những khó khăn, đồng thời thúc đẩy triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN nhằm tạo thuận lợi thương mại tốt hơn và nhanh hơn nữa. Thủ tướng nhấn mạnh, sứ mệnh của 2 văn bản này là động lực cho tăng trưởng thương mại và kinh tế của Việt Nam. Bởi mục tiêu của Chính phủ là đến cuối năm nay sẽ đưa thêm 143 thủ tục hành chính vào xử lý trên hệ thống một cửa quốc gia và sau 2 năm nữa là toàn bộ 251 thủ tục.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!