Rác thải y tế đang là vấn đề nóng của các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, cả nước có khoảng 14000 cơ sở y tế với tổng lượng rác thải y tế độc hại khoảng 350 tấn/ngày. Tuy nhiên, chỉ có một số bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh được đầu tư các lò đốt để xử lý rác thải y tế độc hại.
Ở các tỉnh kinh tế còn khó khăn như Bắc Kạn, hầu hết các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã, rác thải y tế độc hại thường không qua khâu xử lý khử trùng mà đưa thẳng vào lò đốt theo phương pháp thủ công hoặc chôn lấp. Về lâu dài, điều này chắc chắn sẽ có những tác động xấu tới môi trường.
Đốt rác thải y tế thủ công vẫn đang là cách làm của nhiều trạm y tế tại các tỉnh miền núi.
Lý do của việc này được cho biết là vì ở những trạm y tế thuộc các tỉnh miền núi không có cơ sở xử lý rác thải y tế tập trung đúng quy chuẩn. Nếu có cũng thiếu kinh phí đầu tư, duy trì, vận hành bảo dưỡng… Vì vậy, đây đang là những thách thức khiến công việc xử lý rác thải của các cơ sở y tế vùng cao gặp nhiều khó khăn.
Lấy ví dụ như Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn – đơn vị y tế lớn nhất của tỉnh này. Bệnh viện hiện đang có 320 giường bệnh và với số giường bệnh như vậy, lượng rác thải hàng ngày của bệnh viện là khá lớn. Việc phân loại rác thải từ nguồn theo quyết định 43 của Bộ y tế được cán bộ bệnh viện tuân thủ nghiêm ngặt và để phục vụ công tác xử lý rác thải, năm 2009, bệnh viện được tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải rắn và lỏng theo công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, để vận hành một hệ thống như thế, hàng tháng bệnh viện phải bỏ ra một số kinh phí khá lớn. Đây cũng thật sự là một áp lực đối với Ban lãnh đạo Bệnh viện.
“Việc xử lý rác thải y tế trung bình một tháng chi khoảng 30 triệu VNĐ” - Bác sĩ Trịnh Thị Lượng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, cho biết – “Nguồn thu của bệnh viện hiện nay vẫn còn khá khó khăn nên bệnh viện cũng phải tiết kiệm các nguồn khác để thực hiện nghiêm túc việc xử lý rác thải y tế. Đương nhiên, để tập trung cho chi phí này thì chi phí tái đầu tư sẽ giảm đi”.
Theo ông Hoàng Văn Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn: “Tỉnh Bắc Kạn có 9 bệnh viện – 1 bệnh viện Tỉnh và 8 bệnh viện tuyến huyện. Ngoài ra còn có 2 phòng khám đa khoa khu vực. Hiện nay, một bệnh viện tuyến huyện và 2 phòng khám đa khoa là chưa có xử lý rác thải”.
“Ngoài ra, các tuyến xã cũng chỉ đốt thủ công” – ông Hoàng Văn Linh nói thêm.
Để hiểu rõ hơn về những khó khăn trong việc xử lý rác thải y tế ở miền núi, bạn hãy xem video dưới đây:
Phóng sự: Khó khăn trong xử lý rác thải y tế ở miền núi
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!