Các chuyên gia đầu ngành đông y nhận định, nghiêm trọng nhất là nhiều vị thuốc trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo như: Bạch linh, hoài sơn, thỏ ty tử, hồng hoa… Ngoài ra, còn một số thuốc “treo đầu dê bán thịt chó”, sử dụng không đúng bộ phận như: Kim ngân hoa (sử dụng kim ngân đằng), liên nhục (dùng nắp hạt sen), phục thần (dùng bạch linh). Bên cạnh đó, cũng có những loạt thuốc giả như “long vải” giả long nhãn, củ sắn giả bạch linh, thanh thảo giả đông trùng hạ thảo.
Người chế biến cũng không ngần ngại xông lưu huỳnh hay formaldehyde để chống nấm mốc. Nhiều loại thuốc khác kém chất lượng đã được tinh chế hết chất bổ, chỉ còn “bã” như các loại sâm, linh chi…
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 50.000 tấn dược liệu, nhưng có đến 60-70% là thuốc nhập ngoại, trong số này 80% là thuốc nhập lậu, trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Chế tài xử phạt vi phạm buôn bán dược liệu giả, kém chất lượng còn quá nhẹ nên cả người buôn bán lẫn người bốc thuốc đều lơ là, chủ quan.
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Đông y Hà Nội, Nguyễn Hồng Siêm đã cho rằng, để tránh mua phải thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng, người tiêu dùng nên tìm đến những nhà thuốc, thầy thuốc uy tín.