Thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong) diễn tập mô hình “Tiếng mõ an ninh” (Ảnh: Báo CAND)
“Tiếng mõ an ninh” không chỉ báo động cho mọi người dân phối hợp vây bắt tội phạm mà còn làm cho các đối tượng vi phạm pháp luật mất tinh thần, không dám chống lại người dân. Đây là sáng kiến của Hội Nông dân xã Hoà Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng trong công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân ở khu vực nông thôn.
Ông Trần Dục, xã Hòa Phong, cho biết: “Chúng tôi là những người già cả chỉ biết hưởng ứng tinh thần và đánh mõ để báo động. Nhờ có lớp trẻ và các lực lượng công an dân phòng đã tiếp cứu kịp thời nên tình hình trộm cắp ở địa phương đã được giảm bớt”.
Ông Trần Khiết, một người dân trong xã cho biết thêm: “Nhân dân đều rất đồng tình ủng hộ mô hình này. Trong 2 năm mô hình được ứng dụng, các gia đình trong thôn đã không còn có xảy ra ăn cắp, ăn trộm vặt". Ông Khiết khẳng định, " mô hình rất hiệu quả cho địa phương chúng tôi”.
Hiện tại, trong các hộ gia đình ở xã Hòa Phong, nhà nào cũng có vài chiếc mõ tre. Chúng trở thành công cụ báo động và phối hợp tốt với các lực lượng chức năng vây bắt những đối tượng trộm cắp, cướp giật và gây rối trật tự. Nhờ làm tốt công tác truyền truyền nên sau 10 năm thực hiện mô hình, xã Hòa Phong, đã bàn giao cho Công an xử lý trên 1750 đối tượng vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong, cho biết: “Hội Nông dân và công an xã cũng đã tuyên truyền mô hình sâu rộng đến từng thôn, từng chi hội và từng hội viên nông dân. Hội Nông dân xã thấy đây là mô hình mới, mô hình điểm, thông qua mô hình đa số hội viên nông dân và quần chúng nhân dân đã hưởng ứng rất tích cực. Qua đó giúp cho địa phương thực hiện tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trong giai đoạn hiện nay”.
Mới đây, Trung ương Hội nông dân cũng đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức trao đổi, rút ra những bài học kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng mô hình “tiếng mõ an ninh”. Tuy hiệu quả đã thấy rõ, nhưng nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động và sự tham gia của người dân vào mô hình này cũng cần được hỗ trợ.
“Chúng tôi đề nghị nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để có một quy chế, có sự đảm bảo cho những người đang tham gia phong trào. Bởi vì mô hình rất tốt nhưng chưa có sự điều chỉnh, người dân tham gia không khéo là mang tính tự phát sẽ dẫn đến những hệ lụy”, ông Nguyễn Phú Ban, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng nói.
Để mô hình “tiếng mõ an ninh” nâng cao hiệu quả và động viên sự tham gia của người dân, chính quyền các địa phương cần có quy chế hỗ trợ và định hướng hoạt động cho mô hình này. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đang nghiên cứu và nhân rộng mô hình ra nhiều nơi khác trên cả nước góp phần vào việc thực hiện tốt công tác ngăn ngừa, phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự ở vùng nông thôn của các địa phương.