Dọc tuyến phố Nguyễn Trãi, hàng loạt cửa hàng trưng biển bán két sắt giá rẻ: 800.000, 900.000, 1.100.000 đồng… được quảng cáo là siêu bền, chống trộm, chống cháy nổ. Để tìm hiểu vì sao những chiếc két sắt nặng gần 100kg lại có giá rẻ như vậy, phóng viên VTV24 đã tìm đến thôn Đại Tự, huyện Hoài Đức, Hà Nôi - nơi sản xuất két sắt lớn nhất miền Bắc.
Trong khu nhà xưởng rộng chừng 100m2, những người công nhân đang cặm cụi làm việc. Loại tôn mỏng xấp xỉ 1mm là nguyên liệu chính để tạo nên những chiếc két sắt. Sau khi cắt thành tấm và cho vào máy dập để định hình, những tấm tôn được hàn với nhau để dựng thành khung của két sắt.
Chốt khóa - một bộ phận quan trọng để tạo nên tính năng an toàn cho két - mới nhìn thì có vẻ chắc chắn, nhưng bên trong chỉ là những ống sắt mỏng, rỗng ruột. Các bộ phận kết nối với ổ khóa cũng được hàn gắn tạm bợ. Khoảng trống ở giữa 2 lớp tôn mỏng này chính là không gian để tạo nên độ nặng cho két được đúc bằng bê tông.
Dù chưa có bất cứ đơn vị nào kiểm nghiệm xem lớp hỗn hợp bê tông này có tác dụng chống cháy như quảng cáo hay không, nhưng ít nhất cũng có tác dụng làm cho chiếc thùng tôn nặng chỉ vài kg trở thành két sắt nặng cả trăm kg.
Sau khi được sơn bả, lắp khóa, chiếc két sắt đã có bề ngoài bóng bẩy, chắc chắn. Thế nhưng, nếu là một khách hàng khó tính, chỉ cần xem kỹ, sẽ thấy vô số chi tiết được làm cẩu thả. Theo nhân viên của một cửa hàng, người mua phần lớn chỉ quan tâm đến độ nặng, kích thước két, chứ không để ý đến các tiêu chuẩn kỹ thuật có được kiểm định hay không
Trung bình 1 ngày, một xưởng sản xuất két bạc có thể cho ra lò khoảng 25 chiếc két bạc trọng lượng gần 100kg. Với giá bán trên thị trường khoảng 1,7 triệu đồng thì giá của những chiếc két này chỉ bằng khoảng 1/4 giá két bạc chính hãng. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng gửi gắm tài sản có giá trị trong những chiếc két sắt kém chất lượng thì đây lại là một cái giá quá đắt nếu chẳng may xảy ra sự cố.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!