Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, bên cạnh những thành tích chung, một trong những điểm sáng của ngành giáo dục năm nay là kết quả xuất sắc của các học sinh, sinh viên Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế.
Năm 2018, tất cả học sinh dự thi trong các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt Huy chương, trong đó có 13 Huy chương Vàng. Cũng trong năm nay, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công kỳ thi Olympic Vật lý châu Á, góp phần khẳng định vị trí của giáo dục Việt Nam ở tầm khu vực. Bên cạnh đó, lần đầu tiên có 2 Đại học Quốc gia của Việt Nam nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.
Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương các em học sinh không chỉ có thành tích học giỏi mà còn là những tấm gương về sự yêu thương, chia sẻ với bạn bè dù bản thân cũng còn nhiều khó khăn.
Đó là em Ngô Minh Hiếu, học sinh lớp 11, trường Triệu Sơn, Thanh Hóa - một tấm gương sáng về lòng nhân ái. Gần 10 năm nay, dù mưa hay nắng, Ngô Minh Hiếu vẫn kiên trì cõng bạn bị khuyết tật đến trường.
Đó là em Phạm Đức Anh trong thời gian học trường Chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất sắc 2 năm liền đoạt 2 Huy chương Vàng quốc tế môn Hóa học và đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Trong cuộc gặp mặt ngày hôm nay, em Sùng Thị Chấu, dân tộc Mông ở huyện Yên Minh, Hà Giang là câu chuyện điển hình cho thấy nền giáo dục Việt Nam phát triển toàn diện, dù vùng sâu, vùng xa khó khăn nhưng vẫn được tạo điều kiện để phấn đấu là học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý năm 2017. Hiện nay, em là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội.
Phát biểu với các thầy cô và các em học sinh tiêu biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ ấn tượng với những tấm gương học sinh giỏi, vượt khó. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, về tổng thể nền giáo dục của Việt Nam có nhiều thành tích đáng ghi nhận, chưa bao giờ được như bây giờ, mặc dù xã hội còn mong muốn, đòi hỏi ở ngành giáo dục nhiều hơn nữa. Nhưng không thể phủ nhận kết quả, từ chỗ đất nước có hơn 90% người dân là mù chữ, chỉ sau mấy chục năm, hiện có 24 triệu người đi học, trường học, cơ sở giáo dục cũng như trình độ giáo dục ngày càng được hoàn thiện, có nhiều tri thức trong nước và Việt kiều thành danh trên thế giới.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong giáo dục toàn diện phải lưu ý đến giáo dục và rèn luyện đức - tài, nhưng đặc biệt phải coi trọng đạo đức, nhân cách. Không chỉ phát biểu với ngành giáo dục những triết lý dạy và học, trong cuộc gặp gỡ này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những chia sẻ thân tình với những mong muốn rất cụ thể, rất thiết thực là làm thế nào để nâng cao hơn nữa cho các cháu học sinh không chỉ về kiến thức mà còn là vấn đề thể lực. Để phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, phải coi trọng thể dục thể thao, chế độ dinh dưỡng để người Việt Nam phát triển cả thể lực, sức vóc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!