Tốt nghiệp đại học ra làm... công nhân

Trung Nghĩa-Thứ sáu, ngày 29/03/2013 10:14 GMT+7

Nhiều công nhân có bằng đại học đang làm việc tại công ty TNHH Điện tử Poster Đà Nẵng. (Ảnh: Thanh Hải/Báo LĐ)

 Sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng lại đi làm công nhân tại các nhà máy, công xưởng. Thực tế này đã và đang diễn ra từ mấy năm qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tốt nghiệp đại học ngành Quản trị du lịch khách sạn hơn 2 năm trước, chị Phan Đặng Ngọc Trâm Anh đã quyết định về quê nhà tại Đà Nẵng xin việc. Ý định ban đầu mà chị lựa chọn là một khách sạn hoặc công ty du lịch nào đó. Nhưng mọi nỗ lực của chị đều không mang đến cơ hội đúng như mong muốn ban đầu, bởi giờ đây, chị đã là một trong rất nhiều công nhân thạo việc và giàu kinh nghiệm ở công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng.

Không chỉ chị Trâm Anh, trong hơn 16.000 công nhân ở công ty này, có tới hàng trăm người có bằng đại học, thậm chí có người có tới 2 tấm bằng. Tuy nhiên, họ đều chấp nhận từ bỏ ước mơ “ông cử, bà cử” để gắn bó và hài lòng với một công việc mới, dù chẳng tiếng tăm gì.

Chị Lưu Thị Diệu Phi, công nhân công ty, cho biết: “Khi vào công ty này, tôi thấy môi trường làm việc cũng tốt, khả năng thăng tiến cao”.

Theo đại diện lãnh đạo công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, lâu nay trong công ty không hề có bất kỳ sự phân biệt nào giữa người có bằng đại học, hay không có bằng đại học khi họ nộp đơn vào vị trí công nhân. Với mức lương công nhân bình quân một tháng từ 3,5 đến 5 triệu đồng cho một người, việc đánh giá chất lượng lao động của công ty dựa hoàn toàn vào năng lực làm việc thực tế của mỗi người. Dù lao động khi vào công ty có bằng cấp nào, việc đào tạo lại nhất là đào tạo kỹ năng mềm đều được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Quan Hoàng, Tổng Giám đốc công ty nói: “Theo tôi nghĩ, chính sách đào tạo nhiều khi quá trọng bằng cấp. Có nhiều bạn tốt nghiệp đại học nhưng khi vào công ty đều được chúng tôi đào tạo lại, đặc biệt là đào tạo lại kỹ năng mềm".

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 cho thấy, Đà Nẵng đã tụt hạng xuống thứ 5, trong đó nguồn nhân lực bị mất điểm nhiều nhất. Thành phố này đang tồn tại thực trạng cử nhân, kỹ sư dư thừa, thất nghiệp, nhưng khi cần lao động nghề lại tuyển không ra. Đơn cử như ngành sư phạm, mỗi năm thành phố có trên 300 sinh viên tốt nghiệp, song địa phương chỉ tuyển dụng được 15 - 20 người.

Trong khi đó, với 60 cơ sở đào tạo nghề, mỗi năm con số lao động qua đào tạo tại Đà Nẵng trên dưới 30.000 người. Một phần lớn trong số đó ra trường chuyển về làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vùng nông thôn ở các địa phương lân cận. Nghịch lý này sẽ vừa gây lãng phí cho xã hội, vừa tạo áp lực giải quyết việc làm cho địa phương.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước