Người Nhật đang phải chung sống với nỗi lo sợ phóng xạ
Nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 25km về phía Bắc, trường tiểu học Kashima không chỉ tổ chức lớp học cho các học sinh của trường, mà còn cho cả các học sinh đang theo học các trường khác gần nhà máy.
Ở đây, việc nhìn thấy các em học sinh đeo mặt nạ khi đến trường đã trở thành bình thường, các em được chăm sóc y tế sau giờ học, và các hoạt động vui chơi đều diễn ra ở trong nhà.
Cô Yuka Nagakawa, nhân viên chăm sóc y tế trường Kashima cho biết: "Khi mức độ nhiễm xạ ở 1 mức độ nào đó, trẻ em vẫn có quyền chơi ở ngoài trời. Nhưng kể từ khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần, do tâm lý lo lắng của cha mẹ, chúng tôi đã để các em vui chơi ở trong nhà”.
Ngoài việc phải vui chơi ở trong nhà, trẻ em chỉ được phép uống nước đóng chai. Những trò chơi của các em học sinh cũng cho thấy nỗi ám ảnh của thảm họa động đất và sóng thần.
“Khi chúng chơi với những khối hình hoặc các đồ chơi khác, chúng thường lắc chúng và nói là đang có động đất. Chúng cũng thường giả vờ với búp bê rằng đang có sóng thần. Nhưng tôi nghĩ rằng, đây là 1 cách bọn trẻ sử dụng để đối mặt với thảm họa và vượt qua chúng”, cô Yuka Nagakawa cho biết thêm.
Cũng theo cô Nagakawa, câu chuyện hàng ngày của bọn trẻ cũng đã có sự thay đổi. Chúng thường nói với nhau về sự nhiễm xạ và thảo luận cả về "millisieverts”, đơn vị đo độ nhiễm xạ trong không khí.
Cho đến thời điểm này, tại Nhật Bản 40% trường tiểu học và 55% trường trung học cơ sở đã mở cửa trở lại. Nhưng do lo ngại nhiễm xạ, chỉ có khoảng 20% trẻ quay trở lại trường học.