Trẻ nuốt nhầm bột thông bồn cầu: Do người lớn còn bất cẩn?

Minh Đức-Thứ tư, ngày 06/03/2019 17:30 GMT+7

VTV.vn - Đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ nuốt nhầm hóa chất thông bồn cầu, thuốc cỏ, nguyên nhân chủ yếu là do sự tắc trách của người lớn trong việc cất giữ hóa chất.

Vào ngày 4/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận 32 học sinh bị ngộ độc do ăn phải bột thông bồn cầu. Được biết, nguyên nhân là do một học sinh tìm thấy túi bột thông bồn cầu ở gầm cầu thang trường học, tưởng rằng đây là thứ ăn được nên đã ăn và chia cho các bạn dẫn đến ngộ độc. Mặc dù các em học sinh đã được cấp cứu kịp thời, nhiều em đã tỉnh táo và sinh hoạt gần như bình thường nhưng nhiều em vẫn phải tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

Đây không phải trường hợp trẻ nhỏ ăn nhầm bột thông bồn cầu đầu tiên. Vào tháng 7/2015, tại trường mầm non Đông Mai (Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) cũng đã xảy ra vụ ngộ độc do các em học sinh ăn nhầm hóa chất thông cống trong trường học, 5 em học sinh này bị ngộ độc nặng nên đều phải chuyển đến Bệnh viện Nhi TƯ để điều trị. Trong đó, có một em bị nặng nhất với những triệu chứng như sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được.

Vào cuối tháng 4/2018, một cháu bé tại Hà Nội cũng đã phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm bột thông bồn cầu. May mắn được cấp cứu kịp thời và lượng bột thông bồn cầu ở dạng bột nên bệnh nhi chỉ bị tổn thương nhẹ ở thực quản và không nguy hại đến tính mạng. Hiện bệnh nhi đang được theo dõi.

Theo thông tin của khoa Cấp cứu - Chống độc (BV Nhi TƯ), hàng năm bệnh viện phải cấp cứu cho rất nhiều bệnh nhi ngộ độc khi nuốt nhầm hóa chất. Phần lớn là do trẻ nhỏ chưa ý thức được các loại hóa chất độc hại trong nhà hoặc trường học, người lớn cũng không cất kỹ các loại hóa chất tẩy rửa nên nhiều trẻ bị nhầm lẫn là kẹo, nước ngọt có màu sắc sặc sỡ.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho hay, bột thông bồn cầu là loại hóa chất khử trùng cực mạnh và rất độc. Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn khi nuốt phải đều có nguy cơ ngộ độc và tử vong. Do loại hóa chất này có khả năng phân hủy và ăn mòn mạnh các loại rác thải, đặc biệt là các tế bào hữu cơ.

Trẻ nhỏ ngộ độc khi nuốt phải hóa chất thường có các biểu hiện như đau họng, buồn nôn, nôn mửa, ho sặc sụa, môi và lưỡi sưng đỏ, phồng rộp, chảy máy, đau vùng thượng vị, mũi ức hoặc đau khắp bụng. Ngoài ra, có thể có các vết bỏng, lở loét quanh miệng do nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn, tẩy rửa mạnh. Banahj nhân có thể bị khó thở, tím tái, nhợt nhạt, viêm phổi, tắc mũi, suy hô hấp, giảm huyết áp, ảnh hưởng thị lực, tiêu chảy...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, các ca ngộ độc trẻ uống nhầm hóa chất diễn ra rất nhiều. Nguyên nhân là do sự bất cẩn của người lớn khi để các loại dung dịch chứa hóa chất vào các chai nước như nước suối, nước ngọt, trà xanh... ở những nơi dễ thấy. Hoặc các loại hóa chất dạng bột, dạng viên được đóng gói trong túi bóng không có nhãn mác, màu sắc sặc sỡ khiến trẻ tưởng nhầm là kẹo. Người lớn cần ý thức sự nguy hiểm khi để trẻ tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, cần đặt những loại hóa chất xa tầm với của trẻ, nơi trẻ không nhìn thấy. Khi sử dụng cần trang bị khẩu trang, găng tây đầy đủ, tránh tiếp xúc với da và nên rửa sạch lại sau khi sử dụng.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý công tác sơ cứu cho trẻ khi phát hiện ngộ độc. Đối với hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa có tính ăn mòn mạnh thì không được gây nôn, nếu gây nôn thì hóa chất sẽ có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức ngộ độc, gây bỏng thực quản. Có thể cho trẻ uống nước lọc nếu bị bỏng rát ở cổ, nhưng nếu có dấu hiệu khó thở và không tỉnh táo thì không nên để trẻ ăn hay uống qua đường miệng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước