Mỗi tuần hai lần, bà Nguyễn Thị Ngà lại bắt xe buýt từ Sơn Tây đi Mỹ Đình thăm con gái. Giá vé mỗi lượt đi là 22.000 đồng, với 4 lượt cả đi lẫn về, một tuần bà Ngà mất gần 100.000 đồng. Mỗi tháng, bà mất gần 400.000 đồng - một mức chi phí khá cao so với lương hưu của bà.
Tuy nhiên, cùng khoảng cách 40 km như vậy, tuyến xe buýt từ Hà Nội đi Bắc Ninh, hay từ Long Biên đi Phố Nỉ chỉ có giá vé 7.000 đồng, nhờ được trợ giá (tức chỉ bằng 1/3 so với tuyến chưa được trợ giá). Sự chênh lệch đáng kể về giá vé xe buýt trên các tuyến đường khác nhau đang gây nhiều bức xúc cho những người dân thường xuyên sử dụng phương tiện này.
Chúng tôi đã đem thắc mắc của người dân đến hỏi ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội. Câu trả lời nhận được là: “Nguyên nhân chính là do trước kia có hai hình thức chạy xe: Trợ giá và không trợ giá. Trước kia, xe buýt trong địa bàn Hà Nội thì được trợ giá, sau khi sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, những khu vực này chưa được áp dụng trợ giá. Hiện Sở Giao thông đã đề nghị lên UBND Thành phố đề xuất trợ giá cho toàn thành phố, sớm nhất là quý 3/2014 sẽ thực hiện trên toàn thành phố”.
Trong lúc chờ đợi đến quý 3, nhiều hành khách đặc biệt là sinh viên đành sử dụng phương án chuyển xe liên tục để tận dụng tối đa các tuyến đường được trợ giá. Mất thêm thời gian, công sức nhưng bù lại họ tiết kiệm được từ vài chục cho đến cả chục nghìn đồng. Tuy nhiên với người lớn tuổi, người nghỉ hưu - đối tượng cũng thường xuyên phải sử dụng xe buýt thì không có sức để lên xe xuống xe liên tục như vậy. Họ chỉ còn cách chờ cho đến quý 3…