Trung Tướng Phạm Hồng Cư kể chuyện Điện Biên Phủ

VTV News-Thứ ba, ngày 07/05/2013 17:00 GMT+7

Trung tướng Phạm Hồng Cư. (Ảnh: VTV News)

 Kỉ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2013), phóng viên VTV đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội một thời nay đã đi được chặng đường gần 60 năm vẻ vang. Hàng ngàn nhân chứng lịch sử đã chiến thắng kẻ thù và trở về sau cuộc chiến hào hùng ấy, nhưng cũng không ít người trong số họ lại lần lượt ra đi. Hôm nay (7/5), phóng viên VTV rất may mắn khi được gặp gỡ một vị khách mời, một nhân chứng của lịch sử nay đã bước sang tuổi 87 - Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những ngày ở Điện Biên, ông là Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, trấn giữ cánh đồng phía Tây Điện Biên.

PV: Thưa Trung tướng Phạm Hồng Cư, điều gì về chiến dịch Điện Biên Phủ ấn tượng nhất đối với Trung tướng đến tận giờ?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyện đến tận bây giờ đó là: Nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có một quyết định khó khăn, tức câu chuyện “Kéo pháo vào, kéo pháo ra” thì thế hệ chúng tôi đã nằm lại tại Mường Thanh, chứ không thể có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

PV: Câu chuyện “Kéo pháo vào, kéo pháo ra” là câu chuyện được kể rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ cũ, Trung tướng có cho thế hệ trẻ bây giờ hiểu rõ hơn về câu chuyện này không ạ?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Câu chuyện này liên quan tới một quyết định khó khăn nhất mà sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết vào hồi ức cuộc đời chỉ huy của ông. Bởi vì khi Đại tướng lên mặt trận, các cố vẫn Trung Quốc và bộ phận đi chuẩn bị chiến trường đã đưa ra một phương án là “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong 2 ngày 3 đêm, lúc này Đại tướng nghe thấy có vẻ là khó. Phương pháp có kinh nghiệm với nước bạn thật, nhưng với thực tiễn của bộ đội ta là khó.

Tuy nhiên, sau khi thay đổi, bộ đội ta đã đánh sang Lào, về Luông Pha Bang tạo ra một nghi binh chiến lược, mà Đại đoàn 308 đi đâu đều bị Pháp theo dõi nên lúc này chúng lại tưởng ta đã đổi hướng không đánh nữa.

PV: Với một sự kiện lịch sử vĩ đại như vậy, để các vị chỉ huy đồng lòng được là rất khó, vậy làm thế nào để đồng lòng được hàng nghìn, hàng triệu những người chiến sĩ, thưa Trung tướng?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Để đồng lòng được hàng nghìn, hàng triệu chiến sĩ đó là nhờ sự chịu khổ, chịu khó của mọi người. Sau này, có một người thanh niên hỏi tôi “Thưa bác người lính Điện Biên Phủ” khác người lính hiện nay như thế nào?”. Tôi trả lời là người lính Điện Biên Phủ không đeo quân hàm, không có quân trang đẹp đẽ. Người lính Điện Biên Phủ dính bùn từ đầu đến chân vì suốt đêm đào hầm. Cho nên nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.

Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa sắt

Năm mươi sáu ngày đêm

Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!

PV: Bác đã từng có những cuộc trò chuyện, trao đổi với thế hệ trẻ. Bác cảm thấy sức mạnh Việt Nam thần kỳ, có thể khơi gợi trong thế hệ trẻ ngày nay hay không?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi hoàn toàn tin tưởng thế hệ trẻ ngày nay. Dân tộc ta có sức mạnh là nền văn hóa Việt Nam, cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước, lòng yêu nước. Đến thời đại Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước ngày càng phát triển. Đến chủ nghĩa anh hùng và nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta để lại là lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy chí nhân thắng cường bạo... đã ngày càng phát huy. Đây là nguồn gốc thắng lợi của mọi cuộc kháng chiến của Việt Nam và là giá trị vĩnh hằng mà thế hệ nào cũng cần phát huy để làm tròn nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.

Mời quý vị theo dõi VIDEO nội dung toàn bộ cuộc trò chuyện của phóng viên VTV với Trung tướng Phạm Hồng Cư tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước