Ngày 9 tháng Giêng hàng năm là ngày lễ chính của Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa. Trong buổi sáng, đông đảo du khách đã đổ về đền thờ Huyền Trân Công chúa thuộc Trung tâm văn hóa Huyền Trân trên núi Ngũ Phong, phường An Tây, Thành phố Huế để tham dự Lễ dâng hương.
Tại chánh điện, trong tiếng chuông trầm hùng và nhạc lễ truyền thống, Ban lễ tế Hội đồng tộc trưởng làng An Cựu thực hiện các nghi thức tế thần và các bậc khai quốc công thần. Tiếp đến, các tổ chức đoàn thể, chức sắc tôn giáo, nhân dân địa phương và du khách thập phương thực hiện nghi lễ dâng hương tại đền thờ Huyền Trân Công chúa và đền thờ Trần Nhân Tông. Các hoạt động dâng hương, cúng tế tại khu vực này nhằm ghi nhớ công ơn mở cõi năm xưa của Công chúa Huyền Trân.
Lịch sử kể lại rằng, vào năm 1306, vua Champa Chế Mân để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô và Lý dâng lên vua Trần sính lễ. Vâng lệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hòa hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đúng 710 năm.
Từ 9 năm nay, kể từ khi Trung tâm văn hóa Huyền Trân đi vào hoạt động, người dân Thừa Thiên Huế và du khách có thêm một địa điểm quan trọng để tìm đến và ôn lại sự kiện lịch sử gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân và ghi nhớ công ơn với các bậc tiền nhân, trong đó có Công chúa Huyền Trân.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!