Trạm thu phí BOT Cai Lậy không chỉ là chủ đề nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn trở thành tâm điểm tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cơ quan này báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về BOT. Sự cố bắt nguồn từ việc các lái xe đồng loạt dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm làm cho các nhân viên không thể xử lý kịp nên đã gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ 1. Thậm chí, căng thẳng này đến mức chủ đầu tư có lúc phải buông xuôi bằng cách xả trạm nhiều lần.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy không phải là dự án BOT đầu tiên bị phản ứng kịch liệt. Trước đó, trạm thu phí Bến Thủy ở Nghệ An và trạm thu phí T2 ở Cần Thơ cũng gặp tình cảnh tương tự. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng này?
Theo báo Tuổi trẻ, kiểu làm BOT đang tiềm ẩn bất ổn bởi hệ thống trạm thu phí dày đặc bủa vây hệ thống hạ tầng giao thông và phương tiện. Cụ thể hơn, tờ Người lao động còn đưa ra dẫn chứng tuyến Quốc lộ 1 từ TP.HCM đến Bạc Liêu khoảng 300 km nhưng có tới 5 trạm thu phí, trong khi quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm là 70 km.
Trong khi đó, tờ Thanh niên đã trích dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ tại 7 dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT. Báo cáo cho thấy, hầu hết các dự án đều đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác. Kết quả cáo cáo cũng cho hay, các dự án đầu tư đều không qua đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án. Một số nhà đầu tư có năng lực hạn chế.
Có thể khẳng định trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chủ trương xã hội hóa dưới hình thức BOT được xác định là đúng đắn.Tuy nhiên, chưa có cuộc đánh giá tổng kết nào về việc thực hiện BOT mà đầu tư ồ ạt như phong trào dẫn đến những hạn chế, hay việc nâng cấp đường sẵn có rồi tạo nên "phí chồng phí"; trước thu phí đường bộ rồi lại thu phí BOT sẽ tạo dư luận không tốt.
Thời gian qua Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều cố gắng, lắng nghe ý kiến của dân để điều chỉnh vị trí đặt trạm chưa hợp lý. Tuy nhiên, cần phải rà soát để xử lý tổng thể tránh trường hợp như Cai Lậy...
Mấu chốt của phát triển bền vững là phải đảm bảo minh bạch và hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, để xã hội đồng thuận hơn nữa về một chủ trương lớn và cũng là giải pháp tất yếu để phát triển kết cấu hạ tầng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế như hiện nay.
Đường tránh Cai Lậy có mức đầu tư quá lớn VTV.vn - Theo các chuyên gia, với hạ tầng kỹ thuật hạn chế, 12km đường tránh với 5 cầu và 2 cống, số vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng cho đường tránh Cai Lậy là quá lớn.