Vải thiều Lục Ngạn được mùa, được giá

Hải Duyên -Thứ bảy, ngày 09/07/2011 08:00 GMT+7

Thời điểm này, các địa phương trồng vải đang thu hoạch vải thiều chính vụ. Tại Bắc Giang, sản lượng vải năm 2011 này ước đạt khoảng 200.000 tấn, cao gần gấp đôi so với năm ngoái.

Dự kiến, sẽ có khoảng 60-70% sản lượng vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap của toàn tỉnh sẽ được tiêu thụ ở thị trường ngoài. Hiện việc thu mua đang diễn ra sôi động, tuy nhiên do thời điểm thu hoạch chưa đúng và khâu tiêu thụ chưa sát với thực tế, đã khiến cho thị trường thiếu sự ổn định về giá cả.

Từ phố Sàn qua phố Kim, xã Phượng Sơn về trung tâm huyện Lục Ngạn dài khoảng 10km, nhưng có tới gần 60 điểm thu mua vải của cả thương nhân người Việt và người Trung Quốc. Người trồng vải muốn bán giá cao thì chỉ bán cho những thương nhân mua hàng rồi xuất đi Trung Quốc.

Xe vải của nông dân Vi Văn Thống, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là giống vải được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là loại vải được chọn để xuất đi. Anh cho biết, do buổi sáng anh đã bán mấy chuyến được giá, nên anh đã báo về nhà tiếp tục bẻ vải. Tuy nhiên, khi chở vải quay trở lại các điểm bán thì đã là buổi trưa, do đó giá bán lại không như mong đợi. Nhiều xe chở vải khác cũng trong tình trạng tương tự, chở vải về không được, đành phải bán với giá thấp.

Nông dân Vi Văn Thống, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Sáng nay bán trung bình 12-13 ngàn đồng/kg, giờ họ trả có 7.000. Bây giờ trưa rồi nên người ta ép giá, cũng phải bán thôi chứ mang về mất màu cũng không bán được, chỉ để sấy thôi”.

Khác với cách làm của gia đình anh Thống, hộ gia đình chị Đặng Thị Thơm, 37 tuổi, thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn, Lục Ngạn đã tham gia trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap ngay từ khi chương trình bắt đầu triển khai. Vào thời điểm thu hoạch, gia đình chỉ chọn những cành vải cho quả chín đỏ, đạt độ đồng đều, bẻ vào chiều mát và sáng sớm sau đó mang đi tiêu thụ ngay, như thế quả vải không bị nóng, không nhanh mất màu. Do có kinh nghiệm về thời điểm thu hoạch, nên vải của gia đình dễ dàng tiêu thụ và luôn được giá.

Chị Đặng Thị Thơm, 37 tuổi ở thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn, Lục Ngạn: “Nhà tôi trồng 5000m2 vải thiều VietGap, sản lượng dự kiến là 10 tấn. Quả vải chín đỏ, to đều bán nhanh lắm, giá bán khoảng 14.000 đ/kg...”

Theo các thương lái Trung Quốc, vụ vải này phía Trung Quốc cũng được mùa, quả vải có mẫu mã đẹp, tuy nhiên chất lượng lại không bằng vải thiều trồng tại Việt Nam. Chính vì thế, tiêu chuẩn để thu mua vải thiều của các thương gia Trung quốc phải là vải sạch, trồng theo tiêu chuẩn VietGap, quả phải to đồng đều, màu sắc đẹp mới được giá cao. Thêm vào đó, thời gian mua bán thường diễn ra trong buổi sáng, chiều các điểm thu mua chỉ đóng hộp và chuyển đi nên việc mua bán tạm dừng.

Thương lái Sha Jin Jun, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc): “Hàng chất lượng không được đẹp, xanh hoặc thâm nhiều thì giá sẽ không được cao, chúng tôi còn phải xem xét thị trường vì ở Trung Quốc có vải đẹp hơn. Sáng thì định lấy 30 tấn với giá cao, nhưng trưa đủ rồi là không lấy nữa. Lấy mà thừa thì xe không đóng được, chỉ lấy đủ xe thì thôi, vì thế người dân phải bán rẻ đi”.

Đại diện Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn cho biết, thời gian này vải thiều mới bắt đầu vào vụ, do đó màu sắc chưa được đẹp, chất lượng chưa đạt. Chính quyền địa phương đã có những khuyến cáo nhưng do tâm lý nóng vội, nhiều hộ gia đình ồ ạt thu hoạch nên không được giá.

Theo ông Liêu Xuân Hoà, Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn: “Từ 10-15/7, vải sẽ đẹp hơn nhiều. Chúng tôi khuyến cáo bà con là thời điểm này mới bắt đầu, không nên vội thu hoạch, vì thu hoạch sớm thì chất lượng chưa được mỹ mãn, đặc biệt là màu sắc cũng chưa được thỏa mãn, nhưng tâm lý người dân thấy nhà bên cạnh bán rồi, nhà mình chưa bán được mẻ nào thì sốt ruột nên cứ mang đi bán. Muốn bán giá cao nhưng vải chưa đẹp thì bán sao được”.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Bắc Giang, hiện giá cả vải thiều diễn biến không ổn định, mỗi ngày 1 giá và thậm chí trong ngày cũng có nhiều giá. Sở Công thương cũng đưa ra khuyến cáo, khi thương nhân Trung Quốc đến tận vườn thu mua thì sẽ xác định được chất lượng cũng như quá trình sản xuất của quả vải, nhất là quả vải sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, họ sẽ mua với giá cao hơn. Thương nhân Việt Nam không nên tự thu mua và chuyển đi xuất khẩu, vì khi thiếu độ tin cậy của bạn hàng, giá bán sẽ không cao và sẽ xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán tại các cửa khẩu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước