Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc, nhiều hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực khiến dư luận bức xúc, từ đó, đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm truyền thông của báo chí trong việc điều chỉnh văn hóa ứng xử trong cộng đồng. Một hội thảo về chủ đề này đã được tổ chức sáng nay, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự và chủ trì hội thảo, cùng sự tham dự của hàng trăm nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu xã hội và đặc biệt là các nhà báo.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều chia sẻ nhận định rằng thời gian qua văn hóa ứng xử từ cộng đồng, nhà trường đến gia đình bị xuống cấp, nhiều khi đến mức báo động. Trong khi đó, báo chí chưa có cách tiếp cận hợp lý để điều chỉnh hành vi xã hội. Cách viết bài, đưa tin khai thác nhiều khi thái quá, hoặc "treo đầu dê bán thịt chó", "giật tít câu view", thậm chí làm biến dạng ngôn ngữ tiếng Việt
Nguyên nhân của tình trạng trên là vì nhà báo dễ dãi, thiếu hiểu biết hoặc chạy theo mạng xã hội để câu kéo độc giả bằng mọi cách. Do đó, bên cạnh 10 quy định đạo đức của người làm báo, mới đây Hội nhà báo cũng vừa ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các nhà báo hãy bắt đầu từ những văn hóa ứng xử cụ thể thiết thực, đơn giản như văn hóa xếp hàng hay không xả rác bừa bãi nơi công cộng, và quan trọng là cách viết cách làm phải đi vào lòng người
Các đại biểu cũng đề xuất cần đẩy mạnh các chuyên mục, bài viết chuyên về hành vi văn hóa. Hội nhà báo Việt Nam cho biết sắp tới sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức giải báo chí viết về văn hóa ứng xử, để phát huy hơn nữa vai trò chiến đấu của báo chí trên mặt trận văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!