Vì sao ca trù chưa hết nguy cơ thất truyền?

Việt Hùng-Thứ hai, ngày 05/11/2012 16:21 GMT+7

Mặc dù ca trù đã được UNESCO công nhận Di sản phi vật thể, nhưng đã 3 năm nay, bộ môn nghệ thuật này vẫn đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội - nơi được coi là đất phát tích của nghệ thuật ca trù. 600 năm trôi qua trên ngôi làng cổ, giờ đây mỗi dịp lễ tết, giỗ chạp, những ca nương, kép đàn vang bóng một thời vẫn ra đền thờ Ca công - ông tổ nghệ thuật ca trù để hát hầu ngài. Lớp trẻ trong làng nay chẳng mấy ai còn mặn mà với ca trù, Lỗ Khê phập phồng với nỗi lo mất nghề tổ truyền khi mà chẳng có gì để khuyến khích và níu kéo con cháu họ.

Bà Phạm Thị Hiền, làng Lỗ Khê cho biết: “Làng cũng đã thống kê số người có công đóng góp cho bộ môn ca trù, nhưng mãi vẫn không thấy. Đến nay cả làng duy nhất chỉ có cụ Mùi được công nhận nghệ nhân, cố nghệ nhân, còn như cụ Sông đã 84 tuổi vẫn chưa được công nhận”.

Giáo phường ca trù Thăng Long là một trong những đơn vị hiếm hoi còn duy trì được hoạt động biểu diễn nhờ sự giúp đỡ của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội. Ngôi nhà 87 Mã Mây từ hơn một năm nay trở thành nơi biểu diễn thường xuyên của giáo phường vào các tối thứ 3, 5 và thứ 7 hàng tuần. Mỗi buổi diễn chỉ có trên dưới chục khách, chủ yếu là khách nước ngoài nên thu nhập của các ca nương và kép đàn cũng rất khó khăn. Nhiều năm nay, giáo phường đã tìm mọi cách để thu hút giới trẻ đến với ca trù nhưng chưa thực sự thành công.

Đào nương Phạm Thị Huệ, giáo phường ca trù Thăng Long kiến nghị: “Phải có một dự án và sự khuyến khích cụ thể để lớp trẻ thấy sẽ sống được bằng nghề này, như vậy các em mới có thể dành hết tâm huyết cho nghệ thuật ca trù, mới có thể hát hay như các cụ ngày xưa”.

Trước năm 2005, cả nước chỉ có 22 câu lạc bộ ca trù, đến nay cả nước đã có khoảng 60 câu lạc bộ với 500 thành viên tham gia. Tuy nhiên, thế hệ đào nương trẻ đa phần chỉ ca được ba bài: Hát nói, xẩm huê tình, hát ru, trong khi ca trù có tới 99 thể cách. Điều đó có nghĩa thật khó khăn để tìm được những đào nương trẻ gìn giữ những gì tinh túy của ca trù.

Theo bà Nguyễn Kim Dung, Trưởng phòng Di sản phi vật thể, cục Di sản Văn hóa, bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: “Chúng ta đã chỉnh sửa và thống kê 7 loại hình di sản phi vật thể, nhưng theo Luật Thi đua khen thưởng, chỉ có nghề thủ công truyền thống được xét tặng danh hiệu nghệ nhân, còn 6 loại hình khác hiện vẫn chưa được nhìn nhận đến”.

Theo quy định của UNESCO, sau 5 năm được công nhận, nếu nước sở tại không có các chính sách bảo tồn hợp lý, danh hiệu sẽ bị thu hồi. Liệu trong vòng 2 năm nữa, những chính sách dành cho ca trù có được hoàn thiện và đi vào cuộc sống để nghệ thuật ca trù thực sự được bảo tồn và tiếp tục là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại? Đó là câu hỏi mà những người tâm huyết với nghệ thuật ca trù vẫn đang đau đáu với biết bao lo lắng.

Những ca nương, kép đàn chính là “di sản” sống của nghệ thuật ca trù với hàng chục năm tâm huyết với nghề, chừng nào họ chưa được tôn vinh bằng những danh hiệu, chế độ đãi ngộ hợp lý và còn phải vật lộn với cuộc sống, thì khó có thể khuyến khích những thế hệ sau gìn giữ, tiếp nối nghệ thuật của cha ông. Đó là lý do vì sao ca trù sau 3 năm được UNESCO công nhận vẫn tiếp tục là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Việt Hùng - Bích Vân

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước