Vì sao ĐH, CĐ ngoài công lập không tuyển được thí sinh?

Quang Phồn - Quang Hạnh-Thứ bảy, ngày 09/03/2013 17:20 GMT+7

Thí sinh có quyền lựa chọn cho mình trường tốt nhất, rẻ nhất, tiện lợi nhất, chất lượng nhất. (Ảnh minh họa)

Tình trạng các trường ĐH, CĐ ngoài công lập không tuyển được sinh viên đã diễn ra vài năm gần đây. Năm 2012, nhiều trường phải đóng cửa một số ngành học, có trường đứng trước nguy cơ tan rã.

Trước thực trạng đang diễn ra, mới đây Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập đã gửi kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng chính phủ đề nghị có hướng để tháo gỡ khó khăn cho các trường, tránh nguy cơ đổ vỡ.

Điều mà nhiều người quan tâm ở đây là tại sao các trường lại không tuyển được thí sinh? Do cơ chế tuyển sinh? Do nhu cầu của người học hay do chất lượng các trường ngoài công lập?

Năm ngoái, các trường đại học, cao đẳng cả trong vào ngoài công lập tuyển được 460.000 sinh viên. Tuy nhiên, 86% trong số này lại lựa chọn nhập học tại các trường công lập.

Đại diện hiệp hội các trường ngoài công lập hiện đang đổ lỗi cho cơ chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo là nguyên nhân khiến các trường ngoài công lập không tuyển được sinh viên.

GS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học ngoài công lập cho biết: "Các trường công lập đã vét thí sinh đến tận điểm sàn..."

Trong khi điểm sàn tuyển sinh đại học vẫn còn đang gây tranh cãi thì một số trường đại học ngoài công lập vẫn đồng ý duy trì điểm sàn. Đơn cử như ĐH Thăng Long, năm 2012, trường đã tuyển được đến 80% số chỉ tiêu từ nguyện vọng hai .

TS Phan Huy Phụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thăng Long cho biết: "Vẫn cần có điểm sàn, các trường vẫn cần phải có đội ngũ giảng viên riêng, không thể trông chờ vào đội ngũ giảng viên đã về hưu và thỉnh giảng".

Cũng trong năm ngoái, đại học FPT là một trường ngoài công lập hiếm hoi tuyển được khoảng 1200 trên tổng chỉ tiêu 1500 sinh viên. Đại diện trường này cho biết các trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh là đương nhiên.

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT cho biết: "Trong vòng 10 năm, từ 2002 đến 2012, số trường ĐH, CĐ tăng từ 200 lên hơn 400 trường. Nghĩa là tăng 50%, trong khi số học sinh tốt nghiệp cấp 3 có tiềm năng vào ĐH, CĐ chỉ tăng 12%, như vậy cung đã lớn hơn cầu".

Khi cung lớn hơn cầu thì lẽ tất nhiên thí sinh có quyền lựa chọn cho mình nhà cung cấp tốt nhất, rẻ nhất, tiện lợi nhất, chất lượng nhất. Câu chuyện các trường không tuyển được sinh viên trở nên rõ ràng và dễ giải thích hơn.

GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Không phải hiện Bộ đang giải quyết hậu quả của việc có nhiều trường đại học mà lý do mở trường xuất phát từ mục tiêu phát triển, xã hội hoá giáo dục. Tới đây, từ nay đến năm 2020 phấn đất phát triển theo chiều sâu, có thể gộp một số trường ở các địa phương".

Trước những kiến nghị của Hiệp hội các trường ngoài công lập về điểm sàn; tự tuyển sinh hay bỏ thi "3 chung", Ông Bùi Văn Ga cho biết, Bộ bảo lưu quan điểm từ nay đến 2015 vẫn tổ chức thi ĐH, CĐ theo "3 chung", vì thi theo "3 chung" nên vẫn duy trì điểm sản và điểm sàn phải là duy nhất, các trường ngoài công lập không thể có điểm sàn riêng.

Có chăng, Bộ sẽ cân nhắc theo hướng nới điểm sàn để tăng nguồn tuyển cho các trường. Còn đối với phương án tuyển sinh riêng, Luật Giáo dục đại học không cấm, Bộ giáo dục ủng hộ khi các trường có phương án tuyển sinh hợp lý và có thể làm ngay trong năm 2013.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước