Các chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, mỗi năm TP.HCM bị sụp lún từ 5 - 10mm. Trong khi đô thị đang phát triển với tốc độ chóng mặt, kênh rạch bị san lấp, đặc biệt là các cống thoát nước không được khơi thông nên mưa lớn kèm với triều cường đã làm cho TP.HCM ngày càng ngập nặng.
Mới đây, trong 2 ngày (24 và 25/11), cơn bão số 9 (bão Usagi) giảm thành áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn, cùng với triều cường khiến cho TP.HCM ngập trên diện rộng. Hơn 40 tuyến đường chìm sâu trong nước, có nơi ngập đến hơn 1m. Giao thông tê liệt, hàng loạt xe máy phải dắt bộ, ô tô lưu thông bị chết máy trên đường. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Theo các chuyên gia, trận ngập vừa qua đã ảnh hưởng đến rất nhiều quận, huyện như: quận 6, quận Tân Phú, quận 2, huyện Nhà Bè… và khoảng 3 triệu người dân. Những ảnh hưởng này đã gây tổn thất nhiều cho xã hội như cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, kể cả hạ tầng ngầm. Với người dân, nhà cửa bị xuống cấp, công ăn việc làm ngưng trệ, buôn bán thất thu, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, còn nhiều tổn thất không thể thống kê được do bị phân tán không thấy hay đang ẩn trong dân.
Do đó, câu hỏi được người dân đặt ra là tại sao TP.HCM đầu tư gần 29.000 tỷ đồng cho chống ngập, nhất là gần đây có nhiều dự án chống ngập (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, siêu máy bơm đường Nguyễn Hữu Cảnh, hồ điều tiết ngầm…), nhưng mức độ giảm ngập chưa hiệu quả?
Trên thực tế, nhiều giải pháp chưa được đồng bộ, mới chỉ triển khai cục bộ ở một con đường. Đặc biệt, một dự án lớn như dự án 10.000 tỷ đồng để ngăn triều chống ngập còn đang dang dở, chưa biết khi nào mới xong. Mới đây, tại Hội thảo Tìm giải pháp chống ngập cho TP.HCM do báo Tiền Phong tổ chức, nhiều chuyên gia và nhà khoa học đã chỉ ra các giải pháp cho TP.HCM, trong đó cần tập trung đẩy mạnh, triển khai đồng bộ những công trình chống ngập.
Theo các chuyên gia, sở dĩ các dự án chống ngập của TP.HCM chưa hiệu quả là do công tác triển khai, quản lý dự án chưa tốt. Để các dự án chống ngập hiệu quả, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật, thành phố cần nâng cao tự quản để dự án được triển khai khoa học mà không bị lãng phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!