VIDEO: “Hoàn toàn Tam quyền phân lập không phù hợp với nước ta”

VTV News-Thứ ba, ngày 05/03/2013 08:22 GMT+7

Đây là lời khẳng định của GS.TS Phan Xuân Sơn khi bàn về đề nghị cần hiến định bộ máy Nhà nước ta theo mô hình “Tam quyền phân lập”...

Trong số các ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có một số ý kiến đề nghị cần hiến định bộ máy của Nhà nước ta theo mô hình “Tam quyền phân lập” của các Nhà nước tư sản. Những ý kiến này cho rằng: Chỉ có phân chia quyền lực một cách tuyệt đối giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp mới có được một bản Hiến pháp dân chủ, tự do và công bằng.

Đây không phải là lần đầu tiên có những ý kiến đưa ra đề nghị cần tổ chức bộ máy của Nhà nước ta theo mô hình tam quyền phân lập theo mô hình Nhà nước tư sản. Tuy nhiên, theo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng có nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Họ cho rằng đây là mô hình phù với lịch sử lập hiến và thực tiễn của Nhà nước ta - một nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền và là một Nhà nước do nhân dân và vì nhân dân.

Vây thực chất của vấn đề này là gì? Và tại sao nhà nước ta không vận dụng lý thuyết này một cách hoàn toàn trong quá trình xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa?

Cuộc trao đổi giữa phóng viên Đài THVN với GS.TS Phan Xuân Sơn - Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một người có nhiều năm nghiên cứu về tổ chức bộ máy Nhà nước của nhiều nước, sẽ giúp quí vị và các bạn có thể hiểu hơn cơ sở thực tiễn và lý luận về vấn đề này.

Thưa GS Phan Xuân Sơn, nghiên cứu về tổ chức bộ máy nhà nước của nhiều nước trên thế giới, ông có thể cho biết thế nào là nguyên tắc tam quyền phân lập? Và tại sao nhà nước ta không vận dụng lý thuyết này một cách nguyên vẹn trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa?

- Nguyên tắc tam quyền phân lập hay lý thuyết phân quyền xuất hiện rõ nhất trong tác phẩm bàn về tinh thần pháp luật của Montesquie - nhà tư tưởng chính trị người pháp. Thuyết này có những ưu điểm đồng thời có những hạn chế. Về ưu điểm, lý thuyết này vạch rõ bản chất chuyên chế của nhà nước phong kiến chuyên chế. Phân định rõ chức năng, vai trò nhiệm vụ thẩm quyền của các cơ quan quyền lực trong thực thi quyền lực công, cho thấy khuynh hướng khách quan của sự tha hoá quyền lực Nhà nước. Không có phương thức nào hiệu quả bằng phương thức dùng quyền lực nhà nước để kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Tuy vậy, hơn 200 năm thực hiện, lý thuyết này bộc lộ nhiều hạn chế, bản thân lý thuyết này không giải quyết được hết các vấn đề. Hạn chế có thể thấy là mặc dù thấy rõ được kiểm soát quyền lực Nhà nước bằng các cơ quan quyền lực Nhà nước nhưng lại tuyệt đối hoá điều này và không thấy được khi nhân dân đã uỷ quyền cơ quan Nhà nước thì người nắm quyền lực Nhà nước có thể liên minh với nhau lộng quyền trở lại lạm quyền với nhân dân, tức là thiếu cơ chế kiểm soát Nhà nước từ phía nhân dân. Đây là điều rất quan trọng trong Nhà nước dân chủ hiện đại sau này.

Thứ hai, mô hình này chưa giải quyết được nạn tranh giành quyền lực thường xuyên giữa các đảng chính trị, các phe phái chính trị, các lực lượng xã hội có tham vọng tham gia giành quyền lực Nhà nước. Thứ ba, mô hình này cũng sẽ gặp những cản trở mà nhiều khi không phải là thuần tuý kỹ thuật mà do “trò chơi” chính trị trong tổ chức nhà nước. Thứ 4, nếu như xã hội thiếu hệ thống pháp luật đầy đủ, văn hoá chính trị chưa hoàn thiện, các đạo đức chính trị đang còn thấp thì sử dụng các mô hình này thường gây ra các bất ổn chính trị.

Tôi cho rằng về mặt chính trị, bối cảnh ra đời lý thuyết này và mô hình Nhà nước tư sản phương Tây hiện nay rất khác với yếu tố chính trị của chúng ta.

Thứ nhất, về quyền lực Nhà nước. Tất nhiên, đã có quyền lực Nhà nước thì phải thống nhất, nhưng Nhà nước ta thống nhất quyền lực Nhà nước trong không gian, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Thống nhất là yếu tố thứ nhất. Thứ hai, xã hội của chúng ta là không có các tập đoàn xã hội mà có lợi ích đối lập hoặc đối kháng nhau, nhất là từ khi chúng ta giành chính quyền năm 1945 đến nay. Thứ ba, xã hội chúng ta không chia rẽ thành những vùng, những tộc người hay những nhóm dân cư xung đột dữ dội với nhau mà chúng ta trọng tinh thần đoàn kết, đồng thuận cùng một mục tiêu là giành độc lập dân tộc, xoá đói giảm nghèo, tiến lên CNXH.

Điều đặc biệt quan trọng đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền là XHCN Việt Nam hiện nay là nhà nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nước nào cũng có Đảng cầm quyền và có Đảng lãnh đạo nhưng ở bối cảnh Việt Nam hiện nay thì duy nhất Đảng CSVN giữ vai trò lãnh đạo. Điều này trong điều 4 luật sửa đổi là khẳng định được tính tất yếu lịch sử của nó. Vai trò lớn của Đảng Cộng sản là thực thể chính trị lớn đã được hiến định. Yếu tố này là yếu tố làm nên tính thống nhất, đặc biệt rõ rệt trong tổ chức mô hình nhà nước chúng ta.

Về vấn đề chính trị, mô hình hoàn toàn tam quyền phân lập không phù hợp với mô hình nhà nước chúng ta. Vấn đề kỹ thuật chúng ta có thể áp dụng, đó là phải thấy được đối với Đảng, Nhà nước phải tổ chức thành những nhà nước khách quan vốn có các quyền của nó là lập pháp, hành pháp và tư pháp và phải tổ chức nó như thế nào để cho nó vận hành hiệu quả, nó phải phối hợp với thực thi quyền lực của nhân dân, thống nhất ở nhân dân và phải có hiệu lực hiệu quả. Ở nước ta, chúng ta cũng tổ chức thành các cơ quan Nhà nước thực thi các quyền này.

Yếu tố thứ hai, trong tổ chức quyền lực Nhà nước, học thuyết phân quyền nhấn mạnh rất rõ nguy cơ lạm quyền vậy thì phải có kiểm soát quyền lực. Bộ máy của chúng ta phải vận hành thông suốt, phải phối hợp với nhau đồng thời không để cho quyền nào, cơ quan nào có thể lộng quyền, lạm quyền và gây thiệt hại đến lợi ích nhân dân. Chúng ta nên áp dụng những điểm hợp lý về yếu tố kỹ thuật trong lý thuyết phân quyền để áp dụng tổ chức trong Nhà nước XHCN ở Việt Nam.

Giáo sư có đề cập đến một trong những giá trị của mô hình Nhà nước pháp quyền theo mô hình Nhà nước tư sản, đó là quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực. Đây cũng chính là nguyên tắc mà chúng ta đang cần để xây dựng hiến pháp Nhà nước pháp quyền XHCN. Vậy theo ông tại sao đến thời điểm này vẫn có kiến nghị cho rằng, Việt Nam nên xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập như mô hình của các Nhà nước tư sản?

- Để góp ý vào Dự thảo hiến pháp sửa đổi 1992 có nhiều ý kiến đóng góp vào nhiều vấn đề. Tôi cho rằng đây là quá trình để sinh hoạt chính trị nâng cao tiếng nói chính trị, nhận thức của nhân dân về vấn đề nhà nước. Tuy nhiên, trong những ý kiến góp ý không loại trừ những ý kiến với động cơ có thể chưa phải tinh thần xây dựng. Người ta muốn thực hiện mô hình nguyên xi như phân lập tuyệt đối các quyền. Có thể họ muốn gửi thông điệp gì đó để có thể lôi kéo những lực lượng đứng về phía họ trong các việc đặt ra vấn đề có thể thiếu lành mạnh như đấu tranh, phản đối sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự thực thi hiến pháp pháp luật của nhà nước ta.

Xin cảm ông về những trao đổi này!

Xem lại nội dung “Nên hay không nên tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập” trong chương trình thời sự 19h, 4/3 tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước